Căng thẳng Israel - Iran đẩy giá dầu lên cao, trong khi Washington mất dần ảnh hưởng với Tel Aviv, có thể khiến bà Harris bất lợi trong bầu cử Mỹ.
Trung Đông đang đối mặt chiến tranh toàn diện, sau khi Iran ngày 1/10 phóng gần 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào lãnh thổ Israel và Tel Aviv tuyên bố "có quyền và nghĩa vụ đáp trả".
Sau khi các lãnh đạo Israel tuyên bố đang xem xét khả năng tấn công hạ tầng dầu khí của Iran để trả đũa, Tehran cũng dọa nhắm mục tiêu toàn bộ cơ sở năng lượng, khí đốt của Tel Aviv, khiến giá dầu Brent tăng đáng kể.
Giá dầu đã tăng từ 70 USD lên 78 USD một thùng vào ngày 4/10, đảo ngược xu hướng giảm trước đó. Bjarne Schieldrop, nhà phân tích tại tập đoàn dịch vụ tài chính SEB, trụ sở ở Thụy Điển, dự đoán giá dầu có thể chạm mốc 100 USD một thùng nếu xung đột Iran - Israel leo thang thành chiến tranh toàn diện.
Giá dầu tăng cao sẽ là nỗi đau đầu đối với phe Dân chủ, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Phó tổng thống Kamala Harris và đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump đang ở giai đoạn nước rút. Cử tri Mỹ thường ít quan tâm đến các vấn đề đối ngoại, trừ phi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề sát sườn của họ, như giá xăng dầu hay lạm phát.
"Cử tri sẽ coi giá xăng dầu cao cho thấy chính quyền Biden - Harris có vẻ yếu kém, không thể kiểm soát tình hình Trung Đông", ông Schieldrop nói. Điều này có thể khiến uy tín của bà Harris sụt giảm trước ông Trump, người luôn tuyên bố rằng "thế giới yên bình" trong nhiệm kỳ của ông.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu tại Redford Township, bang Michigan ngày 4/10. Ảnh: AP
Chi phí sinh hoạt tăng cao là một trong những vấn đề đang được cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử. Kết quả các thăm dò cho thấy công chúng Mỹ tin tưởng ông Trump hơn bà Harris trong xử lý nền kinh tế. Nếu giá dầu liên tục tăng, phe Cộng hòa sẽ chớp cơ hội để công kích, nhằm nhấn mạnh rằng phe Dân chủ không đáng tin trong vấn đề kinh tế hay chính sách đối ngoại, ông Schieldrop nhận định.
Chuyên gia phân tích này cho hay ở Mỹ, giá dầu thô tăng 10% đồng nghĩa giá xăng cũng tăng tương tự. Với những người Mỹ chỉ kiếm đủ tiền sống qua ngày, họ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phải chi thêm một khoản không nhỏ cho nhiên liệu. "Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bà Harris", Schieldrop bổ sung.
Trùm dầu đá phiến Mỹ Harold Hamm, một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, cáo buộc chính quyền Biden khiến Mỹ "dễ tổn thương bất thường" trước cú sốc giá dầu ở Trung Đông. Ông Hamm cho rằng nguyên nhân là ông chủ Nhà Trắng đã quyết định xả dầu từ kho dự trữ chiến lược ra thị trường để bình ổn giá.
Theo Financial Times, Iran đang xuất khẩu khoảng 1,7 triệu thùng dầu một ngày, chủ yếu từ cảng dầu lớn nhất nước trên đảo Kharg ở Vịnh Ba Tư. Cảng dầu này được coi là mục tiêu tiềm tàng của Israel trong đòn tập kích trả đũa Iran, có thể khiến hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran tê liệt.
Kata'ib Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq, ngày 3/10 cảnh báo một "cuộc chiến năng lượng" sẽ gây tổn thất nguồn cung nặng nề cho thế giới, ám chỉ hoạt động xuất khẩu của những nước khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
"Thế giới sẽ mất nguồn cung 12 triệu thùng dầu mỗi ngày", Kata'ib Hezbollah viết trên Telegram. "Như chúng tôi từng nói, hoặc tất cả cùng có lợi từ dầu mỏ, hoặc không ai có gì".
Theo Schieldrop, Iran và các nhóm đồng minh có căn cứ để đưa ra tuyên bố này. Nếu Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ, họ sẽ không có nhu cầu để mở eo biển Hormuz, cửa ngõ xuất khẩu dầu của các cường quốc Trung Đông như Arab Saudi, Oman, UAE.
Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, với đoạn hẹp nhất khoảng 33 km, là cửa ngõ Vùng Vịnh và Ấn Độ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới. Iran từng nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz, điều hoàn toàn nằm trong khả năng của họ.
"Iran sẽ đặt câu hỏi tại sao bên khác vẫn có nguồn thu từ dầu mỏ, còn họ thì không?", ông Schieldrop nói. "Đây là kịch bản xấu nhất và giá dầu sẽ tăng vọt, có thể lên 200 USD một thùng".
Vị trí Iran và eo biển Hormuz. Đồ họa: CSIS
Các thành viên đảng Dân chủ ngày càng nghi ngờ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang tìm cách can thiệp chính trị Mỹ bằng cách phớt lờ lời kêu gọi từ Tổng thống Biden về đàm phán thỏa thuận hòa bình ở Gaza, leo đang đối đầu Iran ngay trước thềm bầu cử Mỹ.
Ông Trump cho rằng thế giới "đang vuột khỏi tầm kiểm soát" dưới thời ông Biden. Sự ủng hộ dành cho ông Biden trong cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ tiếp tục đi xuống, nguy cơ tạo gánh nặng cho bà Harris ở Michigan, bang chiến trường mà đảng Dân chủ phải thắng.
David Rothkopf, cựu quan chức dưới thời tổng thống Bill Clinton, nói đảng Dân chủ có lý do để lo ngại.
"Dựa trên những cuộc trao đổi với người Israel, tôi thấy họ đều biết ông Netanyahu là người ủng hộ ông Trump và cảm thấy rằng việc cựu tổng thống đắc cử sẽ có lợi hơn cho Tel Aviv", Rothkopf nói với Hill. "Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến những quyết định mà ông Netanyahu đưa ra trong vài tuần tiếp theo".
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 25/7. Ảnh: AFP
Mỹ dường như cũng không thể tác động nhiều đến những động thái tiếp theo của Israel trong cuộc xung đột.
"Israel không còn lắng nghe Mỹ", ông Schieldrop nói. "Có thể Thủ tướng Netanyahu cho rằng ông Trump là người ủng hộ mình mạnh mẽ hơn và không quan tâm về nguy cơ giá dầu tăng sẽ gây bất lợi cho bà Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Israel đang làm bất cứ điều gì họ muốn".
Tại cuộc họp báo ngày 4/10, Tổng thống Biden nói nếu là lãnh đạo Israel, ông "sẽ tính phương án khác thay vì tập kích hạ tầng dầu mỏ", thêm rằng Tel Aviv vẫn chưa quyết định họ sẽ đáp trả Tehran thế nào. Khi được hỏi về kịch bản giá dầu tăng vọt, ông Biden phần nào ngập ngừng.
"Tôi nghĩ điều đó sẽ có chút... thế nào cũng được", ông chủ Nhà Trắng nói, dường như không muốn đề cập đến ảnh hưởng của nó tới cục diện bầu cử Mỹ.
Và ông Netanyahu mới là người quyết định chuyện gì xảy ra tiếp theo. Thủ tướng Israel gần đây cho thấy ông thường phớt lờ những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ.
"Ông Netanyahu đang ở thế thượng phong", cựu ngoại trưởng Jordan Marwan al-Muasher, thành viên viện chính sách Carnegie Endowment for International Peace trụ sở Mỹ, nói. "Ông ấy sẽ không muốn làm bất cứ điều gì để hỗ trợ cho triển vọng đắc cử của bà Harris".
Như Tâm (Theo The Hill, Telegraph, FT)
Đăng thảo luận