Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài đến năm 2026

(Dân trí) - Ngoại trưởng Anh dự đoán cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có khả năng sẽ kéo dài ít nhất hai năm nữa.

Xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài đến năm 2026  第1张

Lính Ukraine gần biên giới Nga (Ảnh: Getty).

Ngoại trưởng Anh David Lammy đã có bài phát biểu tại một hội nghị của đảng cầm quyền ở Liverpool vào ngày 22/9, nhấn mạnh cam kết của Anh trong việc hỗ trợ Ukraine. Ông lưu ý rằng chính phủ Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine 3 tỷ bảng Anh (3,99 tỷ USD) viện trợ quân sự hàng năm cho đến khi nào Ukraine vẫn thấy cần thiết.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Lammy đã tham dự một sự kiện bên lề hội nghị, cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể kéo dài đến "cuối năm 2025, sang năm 2026" và xa hơn nữa.

Ông cho biết những khó khăn và thách thức phát sinh từ cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ trở nên "nghiêm trọng và khắc nghiệt hơn" trong những năm tới.

"Đây là thời điểm quan trọng để các đồng minh ủng hộ Ukraine cần can đảm, kiên nhẫn và bền bỉ", ông Lammy nhấn mạnh.

Phát biểu của ngoại trưởng Anh dường như ám chỉ đến việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa sẵn sàng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.

"Có một cuộc thảo luận rất thực tế giữa các đồng minh về cách chúng ta có thể hỗ trợ Ukraine khi bước vào mùa đông", ngoại trưởng Anh cho biết.

Nhận định của Ngoại trưởng Lammy về khả năng kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine dường như mâu thuẫn với các kế hoạch do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề ra. Ông Zelensky tuyên bố vào tuần trước rằng ông đã xây dựng một kế hoạch chấm dứt xung đột vào cuối năm nay, nếu phương Tây đưa ra "quyết định nhanh chóng" về việc tăng cường hỗ trợ cho Kiev.

Nhà lãnh đạo Ukraine tuần này đã có chuyến thăm tới Mỹ, nơi ông có kế hoạch trình bày "kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Biden, các thành viên của Quốc hội Mỹ và cả hai ứng cử viên tổng thống Kamala Harris và Donald Trump.

Phát biểu tại sự kiện German Marshall Fund vào ngày 19/9, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng cách "nhanh nhất để kết thúc cuộc chiến Ukraine là thua cuộc", nhưng điều này sẽ không dẫn đến hòa bình mà là sự kiểm soát của Nga.

Ông Stoltenberg tin rằng, phương Tây phải cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí nhất có thể để Nga từ bỏ ý tưởng kiểm soát lãnh thổ Ukraine bằng vũ lực.

Ông Stoltenberg hôm 16/9 cho biết, mỗi quốc gia NATO có thể tự ra quyết định về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công tầm xa vào Nga hay không.

Tổng thư ký NATO từng cho rằng, Ukraine có quyền tập kích vào lãnh thổ Nga với mục đích tự vệ. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý những rủi ro nếu phương Tây quyết định "cởi trói" cho vũ khí tầm xa ở Ukraine.

Ông Stoltenberg đã bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, việc để Ukraine sử dụng những vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc phương Tây đang trực tiếp chiến đấu với Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo "việc không tôn trọng những tuyên bố của Tổng thống Nga là một động thái hoàn toàn thiển cận và thiếu chuyên nghiệp". Ông nói thêm rằng lập trường của ông Stoltenberg là "vô cùng khiêu khích và nguy hiểm".

Phương Tây hiện vẫn còn chia rẽ về ý tưởng cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ tập kích mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Các nước như Thụy Điển, Phần Lan, Canada phát tín hiệu sẵn sàng ủng hộ, trong khi đó, Đức tỏ ra thận trọng hơn. 

Theo RT