Sản xuất sạch để thu hút người dùng
Khi đến quầy hàng trứng gà của Công ty Tafa Group tại triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt tại Việt Nam vừa diễn ra ở quận 7 (TPHCM), nhiều khách hàng bất ngờ khi được mời thưởng thức trứng gà nướng ngay tại chỗ.
Ông Trần Văn Hồng (Tây Ninh) bất ngờ khi tận thấy quả trứng gà nướng có màu sắc hết trứng tươi, nhưng khi lột vỏ, mùi thơm của trứng nướng nhẹ. “Phần lòng trắng của trứng nướng giòn sần sật, còn phần lòng đỏ béo, bùi. Đặc biệt trứng có thể để được rất lâu, vận chuyển đường xa không lo hư hỏng” – ông Hồng nói và ngỏ ý muốn tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ cũng như sản phẩm.
Bà Nguyễn Ngọc Huỳnh Anh, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Tafa Group (Bình Thuận) cho biết, công ty chuyên về chăn nuôi gia cầm và sản xuất trứng gà với hành trình 30 năm hoạt động và hiện là nhà sản xuất trứng nội địa hàng đầu Việt Nam. Theo bà Huỳnh Anh, Tafa có trang trại rộng hơn 120 ha với khoảng 2 triệu con gà, đang cung ứng trứng gà cho các siêu thị, chuỗi nhà hàng, khách sạn trên cả nước.
“Ngoài trứng tươi, mới đây Tafa đã phát triển thêm dòng sản phẩm trứng nướng. Trứng gà được nướng liên tục trong 100 giờ bằng công nghệ, máy móc nhập từ Hàn Quốc. Đây sẽ là sản phẩm công ty phát triển thành quà tặng tiện lợi dịp Tết năm nay, bên cạnh dòng trứng tươi” – bà Huỳnh Anh chia sẻ.
Trứng gà nướng Tafa thu hút sự quan tâm của khách hàng Ảnh: U.P
Cũng theo bà Huỳnh Anh, việc đưa sản phẩm thuần Việt đến tham gia triển lãm quốc tế đã thu hút rất nhiều nhà mua hàng trong nước và nước ngoài quan tâm. Họ cũng đề nghị được tham quan, tìm hiểu trang trại, nhà máy… Đó là những cơ hội để Tafa mở rộng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
“Với nhiều nhà mua hàng trong nước và cả nước ngoài, điều họ quan tâm đầu tiên là chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cam kết từ khâu chọn giống đến thành phẩm cuối cùng; nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, xanh. Trứng đựng trong hộp giấy bảo vệ môi trường, tự phân hủy và có thể tái chế làm nguyên liệu trồng cây… Điều chúng tôi mong muốn hiện nay là cơ quan chức năng hỗ trợ giấy phép thuận lợi, bởi kế hoạch đến năm 2030, Tafa muốn mở rộng thêm 4 trang trại nuôi với tổng số lượng dự kiến khoảng 6 triệu con gà” – bà Huỳnh Anh kỳ vọng.
Tham gia các triển lãm là cơ hội để doanh nghiệp trong nước quảng bá sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Ảnh: U.PhươngMong cơ quan quản lý hỗ trợ phát triển
Chia sẻ về hành trình nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, đưa sản phẩm chinh phục người Việt, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho rằng, bên cạnh nỗ lực vươn lên, doanh nghiệp đang cần những sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để mở rộng thị trường. Theo ông Thiện, ngành chăn nuôi trong nước bị giảm thị phần trong 10 năm trở lại đây do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư quy mô lớn, giá thành tốt…
“Nếu cơ quan quản lý và doanh nghiệp không có giải pháp, một lúc nào đó, doanh nghiệp Việt sẽ không còn khả năng cạnh tranh trên “sân nhà” như câu chuyện về thịt heo và thịt gà” - ông Thiện cho biết.
Từ năm đầu năm 2024, V.food đã đầu tư đầu tư nhà xưởng, lao động để đạt chứng nhận FSSC (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) nhằm nâng chất lượng sản phẩm, đưa mặt hàng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Ông Thiện nói thêm, V.Food được người Việt tin dùng nhiều năm qua ngoài giá cả hợp túi tiền, còn bởi chất lượng sản phẩm.
An toàn thực phẩm của sản phẩm Việt là một trong những tiêu chí hàng đầu giúp doanh nghiệp trong nước nâng tầm vị thế trên trường và chinh phục người tiêu dùng trong nước.
Bà Đỗ Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Peroma Việt Nam cho biết, 22 năm qua, doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và phát triển nguồn nguyên liệu tự nhiên và hương liệu thực phẩm từ thiên nhiên của Việt Nam. Để được người tiêu dùng tin dùng, mở rộng đây là một hành trình không dễ dàng khi tiêu chuẩn của người dùng ngày một nâng cao, từ chất lượng cho đến mẫu mã, tiêu thụ cũng như cả giá thành sản xuất.
Trong đó, nguyên liệu được tận dụng phần lớn từ nông sản trong nước như rau củ quả thảo mộc, đảm bảo an toàn, đạt chuẩn, bắt kịp xu hướng và ứng dụng cho đa dạng nhiều dòng sản phẩm nổi bật trên thị trường hiện nay.
“Sau nhiều năm nghiên cứu nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm được sản xuất từ chính các loại nông sản Việt, tôi thấy rằng doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất, điều chế các sản phẩm theo yêu cầu khách hàng với chất lượng chuẩn quốc tế. Khách hàng không phải nhọc công tìm kiếm nguồn nhập khẩu tốn kém về chi phí và thời gian, bởi chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng” – bà Thảo nói.
Thực tế cũng cho thấy, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 10 - 12% mỗi năm, sản xuất chế biến thực phẩm đang ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt lớn tham gia và đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng đáng kể 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM chia sẻ, bên cạnh việc nỗ lực tự khai phá thị trường, việc các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, các chương trình đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị, tăng cường các hoạt động kết nối chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ các chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương, các địa phương và các hiệp hội đã góp phần chắp cánh cho các thương hiệu Việt ngày càng được ưa chuộng và chiếm được cảm tình của khách hàng.
Những chương trình này cũng tạo ra vị thế mới cho hàng Việt, giúp các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh trực tiếp với hàng ngoại ở nhiều phân khúc cũng như giúp giành lại thị phần bán lẻ nội địa, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa về chất lượng, giá thành và đưa hàng Việt ngày càng chinh phục được người Việt.
Xem nhiềuKinh tế
Giá vàng thế giới bứt tốc tăng cao kỷ lục
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất lịch sử
Kinh tế
Thương lái Trung Quốc 'quay xe', giá cau ở Quảng Ngãi lao dốc
Kinh tế
Đề xuất nghỉ 4 ngày Quốc khánh năm 2025, dịp 30/4 nghỉ 5 ngày
Kinh tế
Đăng thảo luận