Hnezdilov quyết định công khai chuyện đào ngũ trên Facebook, nhằm phản đối quy định buộc quân nhân chiến đấu vô thời hạn của Ukraine.

Sau nhiều tháng chiến đấu trong những ngôi làng đổ nát quanh Bakhmut, Serhii Hnezdilov cảm thấy nhẹ nhõm khi được nghỉ phép một tuần để kiểm tra y tế. Sau khi rời đơn vị trinh sát thuộc Lữ đoàn số 56 Ukraine, quân nhân 24 tuổi di chuyển tới thành phố Pavlograd cách đó 160 km.

Tuy nhiên, thay vì đến bệnh viện ở Pavlograd như kế hoạch, Hnezdilov lại tới ga tàu để trở về thủ đô Kiev, hành trình anh không được phép thực hiện. Điều này khiến Hnezdilov trở thành kẻ đào ngũ, đối mặt nguy cơ bị bắt tại điểm đến và phải ngồi tù. "Ít nhất bạn còn biết khi nào mình ra tù", Hnezdilov giải thích về quyết định đào ngũ.

Hnezdilov không phải người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Những công dân Ukraine nhập ngũ ngay từ giai đoạn đầu chiến sự đang dần kiệt sức, khi xung đột đã bước sang năm thứ ba nhưng chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Đào ngũ đang dần trở thành lựa chọn hấp dẫn với họ, giữa tình cảnh không có gì ngoài chết chóc hoặc thương tật nơi tiền tuyến.

Phóng viên Ukraine Vladimir Boiko, người tình nguyện nhập ngũ, cho biết tình trạng này đang trở nên phổ biến. Tính từ năm 2022, hơn 170.000 binh sĩ đã đào ngũ và con số tăng ngày càng nhanh. "Trong đơn vị của tôi, lượng người đào ngũ từ tháng 8 đến tháng 9 đã bằng nửa tổng số trong hai năm rưỡi chiến sự", Boiko nói.

Theo số liệu từ Văn phòng Tổng công tố Ukraine, nước này ghi nhận khoảng 51.000 vụ khởi tố vì tội đào ngũ và trốn khỏi đơn vị từ tháng 1-9. Con số này gấp hơn hai lần so với cả năm 2023, vượt xa đáng kể mức 9.000 vụ trong năm 2022.

Vụ đào ngũ gây tranh luận về luật 'chiến đấu vô thời hạn' ở Ukraine  第1张

Serhii Hnezdilov trình diện tòa án ở Kiev, Ukraine, ngày 11/10. Ảnh: Reuters

Hnezdilov phục vụ trong quân ngũ từ năm 2019 theo hợp đồng ba năm, dự kiến hết hạn vào tháng 3/2022. Nhưng khi chiến sự nổ ra, anh phải tiếp tục chiến đấu mà không biết khi nào sẽ được giải ngũ.

Vài tháng trước, anh đã chứng kiến một số đồng đội trong lữ đoàn đào ngũ bằng cách bỏ trốn khi nghỉ phép khám chữa bệnh.

Điều khác biệt là Hnezdilov quyết định công khai hành động của mình trên Facebook cá nhân hôm 21/9, hai ngày sau khi quyết định đào ngũ. Dù đối mặt nguy cơ bị bắt, anh cho biết hành động này nhằm phản đối luật nhập ngũ, trong đó quy định quân nhân phải tại ngũ vô thời hạn nếu lệnh thiết quân luật còn duy trì.

Ukraine ban bố thiết quân luật ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào nước này cuối tháng 2/2022, khiến những binh sĩ như Hnezdilov không được xuất ngũ trở về nhà. Trong khi đó, Ukraine còn khoảng 5 triệu người đủ điều kiện nhập ngũ nhưng không tòng quân.

Hnezdilov lập luận rằng quân đội Ukraine sẽ chiến đấu hiệu quả hơn nhiều nếu binh sĩ được luân chuyển để nghỉ ngơi, đổi vị trí với những tân binh mới huy động, nhấn mạnh tiêu chuẩn của NATO là thực hiện quá trình thay quân 6 tháng một lần.

"Truyền thông mô tả chúng tôi cứng rắn như sắt đá và sang năm sẽ uống cà phê ở Crimea", Hnezdilov cho biết trên Facebook. Moskva sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, động thái khiến Kiev và phương Tây phản đối. Các lãnh đạo Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Crimea bằng một chiến dịch phản công.

"Mọi người đều kiệt sức, mất động lực khi biết còn hàng triệu công dân đủ điều kiện nhập ngũ nhưng vẫn tiếp tục cuộc sống của mình mà không cần quan tâm thế giới thế nào", Hnezdilov cho hay.

Vài ngày sau khi Hnezdilov công khai việc trốn khỏi đơn vị, các sĩ quan thuộc Cục Điều tra Quốc gia Ukraine tới bắt anh để điều tra với cáo buộc đào ngũ, tội danh có thể khiến anh lĩnh án tối đa 12 năm tù.

Một số trường hợp đào ngũ đã được phi hình sự hóa hồi tháng 8, nhằm khuyến khích những người này trở lại đơn vị. Dù vậy, Hnezdilov được cảnh báo rằng chính phủ Ukraine có thể xử lý hình sự anh để răn đe.

Ukraine năm nay tăng cường nỗ lực tuyển quân, bổ sung tối đa 40.000 tân binh mỗi tháng trong mùa hè. Kết quả này chủ yếu nhờ luật nhập ngũ mới áp dụng từ tháng 5, giúp thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử với những người đủ điều kiện nhập ngũ và hạ độ tuổi tòng quân từ 27 xuống 25.

Luật nhập ngũ ban đầu có điều khoản về giải ngũ, giới hạn thời gian phục vụ trong lực lượng vũ trang là ba năm. Tuy nhiên, nó đã bị xóa bỏ vào phút chót, sau khi tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky can thiệp.

"Quy định về giải ngũ sẽ làm suy yếu sức chiến đấu, gián đoạn nỗ lực phản công, phòng thủ và luân chuyển của các đơn vị", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine trả lời khi được hỏi về điều khoản bị loại bỏ.

Bài viết trên Facebook của Hnezdilov được chia sẻ hàng nghìn lần và làm dấy lên làn sóng tranh luận ở Ukraine. Trong số những người phản đối có luật sư nhân quyền Masi Nayem, cựu binh đã mất một bên mắt. Nayem mô tả hành động của Hnezdilov là "vô đạo đức với những người thương vong trong chiến đấu, bất công với đồng đội còn ở lại tiền tuyến".

Số khác ủng hộ Hnezdilov. "Cậu ấy là người tốt. Cậu ấy đã nêu ra một số vấn đề quan trọng", một thành viên Lữ đoàn Phòng vệ Lãnh thổ đang tác chiến ở miền nam Ukraine cho hay.

Antonina Danilevich, cư dân 44 tuổi ở Kiev, có chung quan điểm. Chồng bà là Oleksandr đã tình nguyện tham chiến ngay từ đầu chiến sự tại đơn vị phòng không gần Kupyansk.

Vụ đào ngũ gây tranh luận về luật 'chiến đấu vô thời hạn' ở Ukraine  第2张

Serhii Hnezdilov (trái) tác chiến cùng đồng đội ở phía bắc Bakhmut ngày 23/7/2023. Ảnh: Le Monde

Danilevich đang tham gia phong trào do những người vợ, mẹ và con gái của các binh sĩ phát động. Họ biểu tình từ tháng 10/2023 nhằm kêu gọi bổ sung quy định giải ngũ. Cứ ba tuần, hàng nghìn phụ nữ Ukraine tại 20 thành phố lại xuống đường tuần hành.

Danilevich nhấn mạnh họ không phản đối cuộc chiến, nhưng bày tỏ phẫn nộ trước điều bà coi là bất công. "Một số phải hy sinh quá nhiều, trong khi những người khác ở nhà. Nếu chính phủ Ukraine không áp dụng luật giải ngũ, tôi sẽ khuyên Oleksandr tự ý rời khỏi đơn vị khi đủ ba năm phục vụ", Danilevich, ở Kiev, nói.

Viktoria Shvets cũng là thành viên của phong trào. Chồng bà là Serhii, nhà vật lý đã tình nguyện nhập ngũ tháng 2/2022, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở mặt trận Avdeevka và tỉnh Kharkov.

"Về mặt pháp lý, đào ngũ là hành động phạm tội, nhưng tôi thấy đó là động thái thể hiện sự tuyệt vọng, giống như tự thiêu tại một quảng trường vậy. Những gì cậu ấy làm là rất quan trọng", Shvets nói khi được hỏi về quan điểm xoay quanh quyết định đào ngũ của Hnezdilov.

Như Tâm (Theo Times, Babel, TASS)