'Các bạn trong lớp đều đi học thêm, tôi cũng phải cho con đi học thêm để bằng bạn bằng bè' là suy nghĩ của không ít phụ huynh.

Mùa hè 16 năm trước, ngay ngày học cuối cùng năm lớp 8, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy môn Toán của tôi hỏi: "Hè này cô mở lớp dạy thêm Toán lớp 9, em nào muốn học thì đăng ký nhé".

Nói rồi cô đưa tờ giấy để các bạn ghi tên vào. Lớp tôi đăng ký gần hết, vì nghe đâu sang năm lớp 9, cô không làm chủ nhiệm nữa nhưng vẫn dạy môn Toán lớp tôi. Còn tôi chưa vội ghi tên mà đợi về nhà hỏi ý kiến phụ huynh, khi nghe hỏi, bố mẹ tôi liền nói: "Đăng ký đi, ở nhà chơi rớt hết chữ".

Thế là mùa hè năm đó, buổi trưa thay vì ở nhà xem tivi, lúc bấy giờ đang chiếu bộ phim Lộc Đỉnh Ký, bản diễn viên Huỳnh Hiểu Minh thủ vai Vi Tiểu Bảo hoặc xem Tây Du Ký, tôi è ạch đạp xe giữa trời nắng để đi học thêm. Chúng tôi học thêm suốt mấy tháng hè, kết quả chúng tôi là những người biết trước kiến thức.

Thật bất ngờ, năm lớp 9, cô không dạy Toán lớp tôi như dự tính. Vậy là, phải đi học giáo viên mới. Một bài học ba lần. Việc tôi đi học thêm được phụ huynh rất ủng hộ, vì "ở nhà sao học khá được, đi học thêm cho chắc ăn".

Hè này về quê, anh chị của tôi cũng chạy sô đưa đứa con sắp lên lớp 6 đi học thêm các môn.

Trong cuộc đua vô hình để con cái mình thành công, việc cho con đi học thêm, biết trước kiến dường như đã trở thành một lẽ đương nhiên. Nhưng liệu việc này có thực sự cần thiết và mang lại hiệu quả như mong đợi?

Nhiều phụ huynh vẫn còn nặng tư tưởng "học thêm mới giỏi". Chúng ta đã tạo ra một môi trường học tập khiến học sinh cảm thấy cần phải học thêm để theo kịp bạn bè, kiểu "các bạn trong lớp con tôi hầu như ai cũng đi học thêm hết. Tôi lo lắng nếu không cho con đi, con sẽ bị tụt hậu so với các bạn".

Thế nên khi đọc các bài viết cho rằng đề nghị cấm học thêm, tôi thấy rất nhiều người nghĩ theo hướng các thầy cô giáo dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Nhưng họ có dám cương quyết không cho con đi học thêm hay không?

Minh Trần