Tôi chỉ thấy tai hại khi thí sinh rớt tốt nghiệp. Điều khác, cần thống kê số trúng tuyển sớm có điểm số thế nào trong kỳ thi vừa qua.

Đọc bài về việc xét tuyển đại học sớm có tác động tiêu cực tôi thấy có vài điều cần trao đổi.

Việc đưa ra một nhận định nào đó cần có số liệu công bố cụ thể để có điều chỉnh kịp thời và nhanh chóng trong vấn đề tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Vì khi điều chỉnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc các bạn học sinh THPT.

Nếu xét về câu nói này, tôi đang nhận thấy việc cho rằng khi xét tuyển sớm, trúng tuyển sớm khiến nhiều học sinh bỏ bê việc việc học, điều này rất tai hại. Nhưng tai hại như thế nào thì không nói rõ.

Việc tai hại chỉ xảy ra, khi học sinh trúng tuyển ĐH sớm nhưng lại trượt tốt nghiệp. Còn nếu học sinh đã đỗ xét tuyển sớm, nhưng vẫn đậu tốt nghiệp thì đâu là điều tai hại?

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê được con số cụ thể về số học sinh đậu xét tuyển sớm nhưng trượt tốt nghiệp thì xin được công bố rõ ràng, để điều chỉnh kịp thời.

Nhưng cá nhân là một phụ huynh tôi nhận thấy điều này khó có thể diễn ra. Bởi để đạt được điểm đậu tốt nghiệp đối với một học sinh đậu xét tuyển ĐH sớm khá dễ dàng. Chúng ta cũng phải nhìn lại cách xét tuyển sớm của nhiều trường ĐH cũng thấy khá là khó khăn, không phải bất cứ học sinh nào nộp xét tuyển sớm đều đỗ.

Chưa kể nhiều trường còn yêu cầu khắt khe. Bên cạnh đó, để có cái nhìn khách quan, tôi cũng muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống kê số học sinh trúng tuyển trong kỳ xét tuyển sớm có điểm số như thế nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Bởi tôi có xem qua điểm của một vài lớp có các con được xét tuyển sớm thì hầu hết điểm thi tốt nghiệp THPT của các con khá cao. Điều này các con còn tự tạo thêm cơ hội vào nhiều trường ĐH để lựa chọn.

Về việc khi biết đã trúng tuyển nên học sinh sẽ không học nữa và chơi suốt học kỳ 2. Điều này không thực tế, bởi hầu hết các con đều lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của mình.

Thầy cô ở các trường cũng rất sát sao cùng các con để nỗ lực từng ngày. Với tâm lý chung của các bạn học sinh dù đỗ xét tuyển sớm, các bạn vẫn muốn có một điểm số ấn tượng và nộp thêm nguyện vòng vào những trường ĐH khác để có thêm lựa chọn.

Tâm lý chung, các bạn học sinh sẽ chia ra 3 nhóm trường, nhóm trường mơ ước, nhóm trường vừa sức, nhóm trường chắc chắn đạt được. Với kỳ xét tuyển sớm các con thường sẽ lựa chọn nhóm trường vừa sức, tức khả năng đỗ trên 50%.

Nếu đỗ một trường ở nhóm trường này các con sẽ dành thời gian để vươn tới nhóm trường mơ ước bằng cách trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nên việc nói rằng, các con sẽ chơi không học ở học kỳ 2 lớp 12 là điều không chính xác.

Lật lại vấn đề lựa chọn xét tuyển sớm của các học sinh. Việc lựa chọn hình thức này, nhiều học sinh đã rất nỗ lực trong suốt 3 năm học ở THPT, luôn cố gắng để có điểm số tốt.

Chưa kể, nhiều học sinh còn có thêm các giải thi học sinh giỏi Quốc gia hay cả quốc tế. Đặc biệt, việc học và luyện chứng chỉ tiếng Anh như Ielts, Toeic,... và chứng chỉ đánh gia tư duy, năng lực như SAT... khó và dày công ôn luyện. Chúng ta phải ghi nhận điều này ở các bạn học sinh.

Việc để các trường tự chủ trong tuyển sinh bằng hình thức đánh giá năng lực chắc chắn nhiều bất cập, nhưng để đổ cho học sinh lười học ở kỳ 2 lớp 12 và cho rằng tai hại là điều chưa chính xác.

Một phụ huynh tôi mong rằng, khi điều chỉnh các hình thức, quy định xét tuyển ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên lắng nghe ý kiến từ các trường ĐH và khi thực hiện cần điều chỉnh thời gian hợp lý.

Vì đầu năm lớp 10 sẽ có nhiều học sinh lựa chọn hình thức xét tuyển sớm, để thi các giải quốc gia hay các chứng chỉ tiếng Anh, đánh giá năng lực,... chứ không chỉ mỗi việc tập trung vào phương thức lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

*Bạn có đồng ý với quan điểm của tác giả? Theo bạn, làm sao để tối ưu các phương án tuyển sinh đại học, gửi bài tại đây.

VM