Việc mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên nếu hoàn thiện chính sách.

Mở cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp, lợi ra sao?  第1张

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ở các khu công nghiệp và được mua bán lại mang đến nhiều lợi ích - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trong chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 23-9 về dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đã cho phép các tổ chức, cá nhân đầu tư hệ thống này, nếu không dùng hết sẽ được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt với mức giá bằng giá trung bình năm trước.

Có thể phát triển 22 GW điện mặt trời

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh việc mở rộng quy định cho phép giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Thủ tướng giao Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành vào tuần tới. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hữu Khoa - Trường cao đẳng Điện lực TP.HCM, thành viên hội đồng khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam - cho rằng tiềm năng điện mặt trời mái nhà của Việt Nam là rất lớn, với mức trên 140 GW.

Đặc biệt, Việt Nam có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp. Có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao. Do đó, tiềm năng kỹ thuật điện mặt trời mái nhà ước tính gần 22 GW, nếu mỗi khu công nghiệp được cho phép lắp đặt 50 MW. 

Hiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương xây dựng trước đó, quy định về giao dịch, mua bán điện mặt trời mái nhà tự dùng tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao chưa được nêu rõ.

  • Mở cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp, lợi ra sao?  第2张

    Điện mặt trời mái nhà: Tăng tỉ lệ huy động, giá mua linh hoạt?ĐỌC NGAY

Theo ông Khoa, trên thực tế nghị định 80 của Chính phủ cũng đã quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Theo đó, cho phép các đơn vị có thể mua bán điện qua đường dây kết nối riêng và thông qua lưới điện quốc gia. 

Trên thực tế có nhiều doanh nghiệp có diện tích nhà xưởng, nhà kho lớn, nhưng nhu cầu tiêu thụ điện không cao. Các doanh nghiệp này có thể lắp đặt thêm (ngoài nhu cầu tự dùng) hệ thống điện mặt trời mái nhà, trở thành đơn vị phát điện để bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp khác qua đường dây riêng, nếu áp dụng nghị định 80.

Tuy nhiên nếu việc mua bán điện trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được mở rộng thêm ở cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà, sẽ mở rộng hơn cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất được đầu tư, lắp đặt và bán điện. 

Cần hoàn thiện nhiều cơ chế

Theo đó, ông Khoa kiến nghị dự thảo cần giải quyết các vấn đề như: Các đơn vị lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và đơn vị mua điện có thể sử dụng hạ tầng lưới điện của khu công nghiệp, khu chế xuất để kết nối việc mua bán điện được không? 

Cần phải có sự cho phép và trả phí sử dụng hạ tầng, vận hành lưới điện cho chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất theo thỏa thuận ba bên thế nào? Việc mua bán điện trong khu công nghiệp có cần được sự cho phép của chủ đầu tư khu công nghiệp hay không?

Cùng đó, các vấn đề đặt ra với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong thực hiện mua bán điện giữa các đơn vị (áp dụng cho cả cơ chế DPPA và điện mặt trời mái nhà), đó là việc tính toán chi phí truyền tải, phân phối, giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ và các chi phí khác. 

EVN cũng sẽ gặp khó khăn trong điều chỉnh giá bán buôn, chi phí đầu tư, lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng, thu thập dữ liệu đo xa, từ đó ảnh hưởng tới tài chính của EVN. Do vậy, ông Khoa cho rằng cần sớm thí điểm cơ chế giá hai thành phần để đảm bảo thu hồi chi phí giá khi nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng ngày càng cao.