Là giáo viên dạy văn của Trường trung học thực hành (Trường đại học Sư phạm TP.HCM), thầy giáo trẻ Lê Tấn Phát dành thời gian sau giờ làm để dạy cho các em khó khăn ở quận 4, TP.HCM.
Thầy Lê Tấn Phát và lớp học “Ánh sáng xanh” - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sinh ra tại huyện ven biển Ba Tri (tỉnh Bến Tre), nhận thấy nơi đây vẫn còn nhiều người chưa được đi học, có cô bác đã lớn tuổi vẫn không biết viết tên, chàng trai trẻ Lê Tấn Phát (năm nay 27 tuổi) đau đáu ước mong trở thành thầy giáo để dạy học miễn phí cho người khó khăn.
Nhiều lớp trong một lớp
Tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Lê Tấn Phát được nhận vào làm giáo viên của Trường trung học thực hành. Trong lần tham gia chương trình "Gia sư áo xanh", Tấn Phát có cơ hội gắn bó với trẻ ở quận 4, TP.HCM. Cơ duyên cũng từ đó chớm nở, từ dạy hè thầy giáo trẻ được địa phương tạo điều kiện và lớp học tình thương "Ánh sáng xanh" ra đời.
Lớp học diễn ra chiều thứ tư hằng tuần tại điểm sinh hoạt văn hóa khu phố 2 (phường 6, quận 4) với sự tham gia của khoảng 15 em thuộc diện gia đình khó khăn, đa số trong lứa tuổi tiểu học. Có em cha mẹ là công nhân, làm lao động tự do và có cả học sinh người dân tộc.
Lê Tấn Phát cho biết do mỗi em mỗi lớp khác nhau nên thầy gặp không ít khó khăn trong việc soạn giáo án. "Tôi chia khối lớp 4 và lớp 5 học chung kiến thức, toán sẽ dạy phương trình, thực hiện phép tính và tìm x. Còn với lớp 1 - lớp 3, tôi kèm chính tả và tập đọc.
Đối với các bé mới, còn lạ lẫm, lắm lúc các em đến lớp không được vui tôi phải khởi động cho các bé có động lực để học. Lớp học vào thứ tư hằng tuần, mỗi buổi dạy văn hóa tầm 35 phút, thời gian còn lại tôi cho các bé vui chơi, đọc sách báo", thầy Phát nói.
Em Yến Anh, một học sinh của lớp, cho biết em học rất vui, thầy dạy rất nghiêm túc. "Em thích học môn toán, bài nào em không biết thầy sẽ chỉ cẩn thận. Ở đây em còn được vui chơi cùng bạn bè và đọc sách", Yến Anh chia sẻ.
Tương tự, Thiên Kim, một học sinh khác, thì hào hứng kể ngoài những bài giảng trên lớp, thầy Phát luôn tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động do địa phương tổ chức.
Duy trì lớp học lâu dài
Giáo sư Hà Minh Đức kể về cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng: 'Trước sau vẫn là học trò của các thầy'ĐỌC NGAY
Mang bệnh tim trong người, đôi lúc nói chuyện bị hụt hơi nhưng với niềm yêu nghề giáo, chàng trai trẻ Tấn Phát vẫn cố gắng sắp xếp công việc đến lớp dạy cho các em.
"Những lúc bệnh hay mệt, tôi nhờ các bạn sinh viên bên trường qua hỗ trợ. Các em ở đây rất ham học, luôn đến lớp đúng giờ, có khi trời mưa các em vẫn mặc áo mưa đến lớp nhìn thương lắm. Tôi mong muốn giúp các em có kiến thức, tăng kỹ năng giao tiếp xã hội, rèn luyện cho các em kỹ năng sống để ra xã hội không bị thua thiệt với mọi người", thầy Phát tâm sự.
Trong năm học mới này, lớp học của thầy giáo trẻ nhận thêm hai học sinh. Ngoài ra, do lịch dạy ở trường nên thầy dự tính sẽ đổi lịch dạy tại lớp học tình thương sang 18h - 19h30 thứ bảy hằng tuần.
Chia sẻ về dự định tương lai, thầy Lê Tấn Phát cho biết sẽ tiếp tục học lên thạc sĩ và cố gắng duy trì lớp học lâu dài.
Năng nổ, tích cực
Anh Nguyễn Đặng Trí Nghĩa, bí thư Đoàn phường, chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường 6, quận 4, TP.HCM, cho biết thầy Lê Tấn Phát rất năng nổ và tích cực trong việc tham gia hỗ trợ phường trong công tác dạy học cho các em thiếu nhi.
"Các em ở lớp học, các bạn đoàn viên, hội viên tại đơn vị cũng rất mến thầy. Từ năm 2023 đến nay, ngoài việc hỗ trợ cơ sở vật chất cho lớp học thì Đoàn phường vẫn thường xuyên tặng quà cho các em vào dịp Tết, Ngày Quốc tế thiếu nhi và dịp hè.
Chúng tôi cũng vận động những cơ sở vật chất khác để hỗ trợ lớp như: bàn học, tập trắng, bảng dạy học, máy vi tính. Ngoài việc học tập, địa phương cũng tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động khác như âm nhạc dân tộc học đường, xem phim 3D", anh Nghĩa nói.
Đăng thảo luận