PV: Thưa ông, trong những năm qua hoạt động giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tại trường học các cấp được Phòng GD&ĐT triển khai như thế nào?
-Trong các năm học, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã kiên trì thực hiện giáo dục và tuyên truyền bảo vệ môi trường một cách sâu rộng, thường xuyên và hiệu quả tại tất cả các cấp học. Từ việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, đến việc lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các môn học ở trên lớp, hướng dẫn học sinh hoạt động thực tế ngoài giờ lên lớp.
Ông Phạm Văn Ngát (thứ hai, từ trái sang) cùng thầy cô kiểm tra gian hàng STEM của học sinh.
Đồng thời, các buổi tập huấn, chuyên đề và hội thi về bảo vệ môi trường cấp huyện, trường và cụm trường được tổ chức định kỳ, giúp học sinh nâng cao nhận thức và hành động vì môi trường. Học sinh không chỉ được dạy về lí thuyết mà còn được thực hành, được hoạt động để hiểu rõ kiến thức ứng dụng vào thực tiễn. Hay sau mỗi giờ học, tại nhiều trường, học sinh chủ động nhặt rác, dọn dẹp lại phòng học sạch đẹp trước khi vào giờ học.
Đặc biệt, tiêu chí “Sáng, xanh, sạch, đẹp” cũng được đưa vào hệ thống thi đua của các nhà trường, thúc đẩy sự chú trọng và cam kết của thầy cô giáo và các em học sinh nhà trường.
Thành phố nơi chúng ta sống vẫn còn rất nhiều rác trên đường phố, nơi công cộng, trong đó có một phần nguyên nhân do con người xả thải bừa bãi. Theo ông, giáo dục nhận thức học sinh có ý nghĩa như thế nào trong vấn đề bảo vệ môi trường?
Bảo vệ môi trường không chỉ là việc bảo vệ cuộc sống hiện tại mà còn là hành động vì tương lai. Việc giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường là nền tảng để hình thành ý thức trách nhiệm từ khi còn nhỏ.
Khi học sinh hiểu được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống, các em sẽ có động lực để gìn giữ và bảo vệ nó. Quan trọng hơn, giáo dục còn giúp các em nắm bắt được những kỹ năng, phương pháp ứng xử thân thiện với môi trường. Hơn thế nữa, các em có thể trở thành những hạt nhân tích cực, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới gia đình và cộng đồng. Qua đó, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi mà còn xây dựng một xã hội có trách nhiệm hơn với thiên nhiên, cộng đồng và xã hội.
Sáng tạo mang tính ứng dụng cao
PV: Hằng năm, qua các cuộc thi, học sinh đã có “sân chơi” để sáng tạo các ý tưởng, đề tài bảo vệ môi trường. Ông đánh giá ra sao với những ý tưởng của học sinh?
- Phải nói rằng, tôi rất tự hào vì học sinh ngày nay nhanh nhạy, có nhiều ý tưởng mang tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Hằng năm, đơn vị thường tổ chức các cuộc thi, hay ngày hội về Công nghệ thông tin, giáo dục STEM, tại đó học sinh các trường có nhiều đề tài, ý tưởng sáng tạo liên quan bảo vệ môi trường tham gia các cuộc thi đạt nhiều giải thưởng cấp Thành phố và cấp huyện.
Ví dụ như: học sinh Trường THCS Thanh Liệt với dự án Sử dụng năng lượng xanh cấp cho thiết bị thu khí Hydro và Oxy phục vụ đời sống; học sinh Trường THCS Liên Ninh có đề tài chế tạo dung dịch hữu cơ bón cây trồng từ chuối chín, vỏ trứng và nước vo gạo; học sinh Trường THCS Vạn Phúc nghiên cứu đề tài Máy lọc không khí; học sinh Trường THCS Chu Văn An với dự án điều chế nước rửa rau củ quả và xà phòng thân thiện với môi trường…
Trong đó, đề tài “Sản xuất nước lên men từ quả bồ hòn và vỏ các loại quả để làm nước rửa bát, nước giặt, nước lau sàn” của nhóm học sinh Trường THCS Vĩnh Quỳnh đạt giải Ba Khoa học kỹ thuật cấp Thành phố.
Những dự án kể trên đều thể hiện tinh thần sáng tạo, lòng nhiệt huyết, đam mê khoa học, trí tuệ và trách nhiệm của học sinh các trường trong việc góp phần giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách.
PV:Việc phân loại rác đầu nguồn có ý nghĩa rất quan trọng trong xử lý, tái chế rác. Hiện nay, ngành giáo dục Thanh Trì đã có mô hình điểm về phân loại rác hay chưa và hiệu quả của mô hình đến đâu? Khó khăn triển khai, xử lý như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, trên địa bàn mới chỉ có Trường THCS Vạn Phúc tiên phong triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn do việc phân loại chủ yếu mới dừng lại ở khâu tuyên truyền, chưa có quy định cụ thể hoặc chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tham gia của mọi người còn hạn chế.
Ngoài ra, khi ứng dụng vào gia đình, kinh phí để mua túi phân loại rác cũng là một rào cản lớn. Thêm vào đó, việc thiếu xe thu gom rác thải phân loại riêng càng khiến cho công tác này chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của nhà trường và sự đồng thuận dần dần từ cộng đồng, mô hình này hứa hẹn sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai.
Cảm ơn ông!
Xem nhiềuGiáo dục
Thanh Hoá chấn chỉnh học sinh vừa trúng tuyển đã xin chuyển trường
Giáo dục
Chưa rõ ngọn ngành đã bêu riếu thầy cô lên mạng
Giáo dục
Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo
Giáo dục
Hà Nội: Học sinh, thầy cô đạp xe quanh Hồ Tây hưởng ứng bảo vệ môi trường
Giáo dục
Đăng thảo luận