Chính phủ kiến nghị chưa tăng lương hưu, công chức, trợ cấp xã hội năm sau và sẽ xử lý bất hợp lý của một số ngành như y tế, giáo dục.

Sáng 22/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc báo cáo về thực hiện ngân sách 2024, dự toán năm 2025.

Theo đó, Chính phủ lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 hơn 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với 2024. Trong đó, thu nội địa dự kiến khoảng 1,67 triệu tỷ, tăng hơn 6% thực hiện năm trước đó.

Ông Phớc cho hay năm sau, để đủ nguồn chi trả lương cho khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng một tháng, ngoài ngân sách, Chính phủ dự kiến sử dụng 110.000 tỷ đồng từ nguồn tích lũy tiền lương. Theo đó, dự toán chi ngân sách năm sau gần 2,55 triệu tỷ đồng.

Bội chi 2025 dự kiến 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ 34-35% GDP, trong giới hạn Quốc hội cho phép (60% GDP).

Mức dự toán này, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc là tích cực trong bối cảnh kinh tế xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức. Kế hoạch phân bổ ngân sách, ông cho biết sẽ ưu tiên cho chi đầu tư phát triển, cũng như bố trí đủ nguồn chi lương cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác.

Tuy vậy, theo ông, dự toán thu ngân sách còn rủi ro trong bối cảnh thu khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ rệt, cổ phần hóa chậm. Cùng với đó, áp lực chi rất lớn, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, dự án quan trọng. "Nhiều bộ ngành, địa phương phản ánh việc liên tục tiết kiệm chi nhiều năm dẫn tới khó khăn cho họ trong tổ chức thực hiện", Phó thủ tướng nói, thêm rằng nhu cầu vay năm sau là 800.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Để đảm bảo cân đối ngân sách, Chính phủ kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công. "Trong điều hành, Chính phủ sẽ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất hợp lý của một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục", ông Phớc nói thêm.

Kiến nghị năm 2025 chưa tăng lương hưu, công chức  第1张

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại Quốc hội, sáng 22/10. Ảnh: Giang Huy

Trước đó, từ 1/7, khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng 15%. Theo đó, với người hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng một tháng thì tăng 300.000 đồng. Người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu, thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng. Trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,79 triệu đồng một tháng; trợ giúp xã hội là 500.000 đồng một tháng.

Cũng tại tờ trình hôm nay, Chính phủ kiến nghị mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy dành cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, địa phương nhằm điều chỉnh một số chính sách lương hưu, trợ cấp, tinh giản biên chế.

Ngoài ra, Chính phủ cũng muốn Quốc hội cho phép dùng một phần quỹ tích lũy tiền lương của ngân sách trung ương, địa phương còn dư (dự kiến 110.000 tỷ đồng) để bố trí chi lương cơ sở 2,34 triệu đồng một tháng cho các bộ ngành, cơ quan. Các địa phương có nguồn cải cách tiền lương lớn có thể được xem xét sử dụng nguồn này vào đầu tư dự án kết nối vùng, quốc gia, công trình trọng điểm. Điều kiện là địa phương phải cam kết đảm bảo nguồn cải cách tiền lương tới 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Kiến nghị năm 2025 chưa tăng lương hưu, công chức  第2张

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, ngày 22/10. Ảnh: Giang Huy

Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết cơ quan này nhất trí đồng tình chưa xem xét tiếp tục tăng lương khu vực công, lương hưu, các khoản trợ cấp xã hội hàng tháng với người có công trong năm sau.

Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để giảm áp lực bố trí từ ngân sách trung ương, khi thực hiện nâng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng một tháng. Một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách trung ương, địa phương được dành hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.

"Cần hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách có tác động giảm thu ngân sách để bảo đảm huy động đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi quan trọng quốc gia", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý.

Về phương án phân bổ ngân sách trung ương, Chính phủ dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển ngoài phạm vi của Luật Đầu tư công. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ mức bố trí, cũng như căn cứ dự toán với khoản thanh toán, xử lý bù giá của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Năm 2025, Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư công là 790.727 tỷ đồng. Thống nhất với kế hoạch này, song Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có danh mục dự án cụ thể, bố trí hợp lý, cũng như tăng kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát và chuyển nguồn sang năm sau quá lớn.

Liên quan tới ngân sách 2024, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách ước đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào ngân sách là 16,5% GDP.

Thu nội địa vẫn đóng góp tỷ trọng lớn trong thu ngân sách, với 1,57 triệu tỷ đồng, vượt gần 9% dự toán. Khoản thu từ dầu thô là 59.300 tỷ, xuất nhập khẩu 235.200 tỷ đồng, vượt lần lượt gần 29% và 15,3% dự toán.

Ngân sách năm nay dự kiến chi hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Bội chi khoảng 389.400 tỷ, bằng 3,4% GDP. Mức này giảm 10.000 tỷ đồng so với dự toán.

Tuy nhiên, 11 địa phương thu không đạt dự toán. Trường hợp trừ đi khoản thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức... còn 8 địa phương hụt thu cân đối ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh khi thẩm tra đề nghị số địa phương bị hụt thu năm nay cần "tích cực tăng thu, giảm chi không cần thiết và dùng nguồn dự phòng để đảm bảo thu ngân sách cả năm".

Ông Mạnh cũng nhìn nhận, hiện còn một số khoản chi ngân sách 2024 chưa được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo quy định. Cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, sớm phân bổ hoặc trình cấp có thẩm quyền để bảo đảm khả năng giải ngân và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

"Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cam kết về tiến độ giải ngân, để tránh lãng phí, thất thoát", ông nói.

Anh Minh