Khảo sát công nhân tại 6 tỉnh thành, 39% cho biết họ phải ở trọ diện tích chưa tới 20m², an ninh kém, giá điện chưa hợp lý, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh...
Khu nhà trọ một tầng được nhiều công nhân lựa chọn gần Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: GIA ĐOÀN
Đó là số liệu nổi bật trong nghiên cứu Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động di cư - Thực trạng và giải pháp do Viện Công nhân - Công đoàn, Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng thực hiện.
39% công nhân ở trọ diện tích dưới 20m²
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-8, TS Nhạc Phan Linh - phó viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết nghiên cứu khảo sát trên 1.800 người tại các tỉnh thành gồm Bắc Giang, Hà Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Tiền Giang và Bình Dương.
Đối tượng gồm người lao động, chủ sử dụng lao động và cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp.
Về tình trạng nhà ở, nghiên cứu chỉ ra có 37,1% lao động di cư trọ ở nhà cấp 4 (có 1 tầng). Số ở trong khu nhà ở công nhân tại khu công nghiệp chỉ khoảng 9,6%. Những người ở nhà tập thể, nhà lưu trú, ký túc xá tại doanh nghiệp là 7,6%.
Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, với các nhà cấp 4 (1 tầng), đa phần đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín song diện tích sinh hoạt lại rất hạn chế. Có những công nhân sống ở nơi không có phòng khách, nơi học bài riêng của con cái…
Trái ngược, có các khu trọ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp và nhà ở tập thể/nhà lưu trú/ký túc xá ở doanh nghiệp có tiện nghi và sạch sẽ. Tuy nhiên không phải ai cũng được bố trí ở các khu nhà này.
Về diện tích nhà ở, có 39% công nhân ở trong nhà, phòng trọ diện tích dưới 20m2. Khoảng 7,4% khác được hỏi sống trong phòng dưới 10m2.
Xây nhà ở cho công nhân thuê là "thượng sách"ĐỌC NGAY
Khoảng 1/4 số người khảo sát cho biết sống trọ ở nơi chỉ 10-15m2. Số người ở nơi từ 70m2 trở lên rất ít, gần 15%.
Trong không gian sinh hoạt, có tới gần 35% người được hỏi nói “nơi ở chỉ là chỗ để nghỉ ngơi”, gần 33% coi “nơi ở chính là nơi làm việc kiếm sống".
Cũng theo nghiên cứu, nhiều người chia sẻ giá điện chưa hợp lý, nguồn nước không đảm bảo an toàn vệ sinh khi sử dụng, thậm chí khoảng 15% người được hỏi phải dùng nước từ giếng khoan.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng một nửa số người được hỏi ở nơi có chủ trọ giám sát, khoảng 28% do cá nhân tự quản lý.
Tuy vậy, 31% người trả lời khảo sát cho hay nơi ở không kiểm soát người ra vào.
Nghiên cứu nêu trên 65% công nhân lao động di cư cho hay gặp khó khăn về tiền thuê nhà/học phí cho con, khoảng 20% cho biết khó tiếp cận dịch vụ vui chơi giải trí.
Hàng loạt vấn đề an ninh trật tự nơi sinh sống “bủa vây” công nhân như trộm cắp, cướp giật, lô đề, vay tín dụng đen, bạo lực, mại dâm…
Khảo sát cũng nêu khoảng cách trung bình từ nơi ở đến công ty lên tới 4,2km, còn từ nhà đến chợ mua thực phẩm hơn 2km.
Một dãy nhà cấp 4 chia thành nhiều phòng trọ nhỏ 10-20m² giá rẻ tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN
63% công nhân lao động muốn thuê, thuê mua nhà ở
Về nhu cầu, khoảng 63% người được hỏi có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở. Trong đó số muốn thuê nhà chiếm gần 41%.
Khi được hỏi về diện tích nhà mong muốn, có gần 44% công nhân lao động mong muốn ngôi nhà từ 50m2 trở lên, tiếp sau là các nhóm 30-50m2, 20m2 đến dưới 30m2…
Số muốn vay tín dụng mua nhà gần 69%, thời gian vay từ 5-10 năm khoảng 33%, tiếp sau là thời hạn 10-15 năm (trên 18%), 15-20 năm (hơn 15%).
Chi phí thuê chấp nhận đa số từ 700.000-1 triệu đồng (khoảng 30%). Khoảng 22% người được hỏi có thể trả mức thuê từ 1-2 triệu đồng.
Khác với suy nghĩ công nhân muốn ở tự do, có tới gần 89% mong muốn kiểm soát người ra vào nơi ở, khoảng 78% muốn kiểm soát giờ giấc nơi ở, gần 55% muốn kiểm soát bằng camera…
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vấn đề nhà ở của công nhân lao động di cư tại các khu công nghiệp và thực trạng thiếu thốn, điều kiện sống khó khăn.
Mặc dù có sự cải thiện nhất định, song tỉ lệ công nhân có khả năng sở hữu hoặc thuê nhà phù hợp còn thấp.
Điều kiện sống tại nhiều khu nhà trọ còn chật chội, thiếu tiện nghi và không đảm bảo an toàn vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người lao động.
Nhóm khuyến nghị Nhà nước cần tăng cường các cơ chế hỗ trợ, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ công đoàn và các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân.
Việc cải thiện điều kiện sống cho công nhân lao động di cư cần được ưu tiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và thiết chế phục vụ đời sống.
Đăng thảo luận