(NLĐO) - Lừa đảo qua Google Voice, lừa chơi game trực tuyến, quảng cáo iPhone 16 giả mạo để chiếm đoạt tiền... là những chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện.

Lừa đảo qua Google Voice

Mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo trên không gian mạng xuất hiện hành vi lừa đảo mới nhắm vào số điện thoại của người dùng thông qua dịch vụ điện thoại Google Voice.

Nạn nhân của thủ đoạn này chủ yếu là những người có nhu cầu mua bán hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Cụ thể, kẻ xấu nhắm đến những tài khoản đăng tải các bài viết với nhu cầu mua bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ trực tuyến trên các nền tảng Craigslist hoặc Facebook Marketplace. Sau khi trò chuyện, kẻ gian chủ động gửi mã xác nhận tài khoản Google Voice cho "con mồi", sau đó yêu cầu cung cấp số điện thoại và xác tín bằng cách gửi lại mã của họ.

TIN LIÊN QUAN
  •  iPhone 16 vừa ra mắt đã bị lợi dụng để lừa đảo 第1张

    Cảnh giác 4 chiêu trò lừa đảo trực tuyến mới tuần qua

Khi người dùng dính bẫy, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng mã này để thiết lập một tài khoản Google Voice khác liên kết với số điện thoại mà nạn nhân sử dụng để chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân, theo dõi toàn bộ nội dung tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân. Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng đề cao cảnh giác khi sử dụng Google Voice và các ứng dụng VoiP để phòng tránh.

Giả quảng cáo iPhone 16 để chiếm đoạt tiền

Người dùng Mỹ cho biết đã nhìn thấy nhiều quảng cáo bán điện thoại iPhone 16 với giá ưu đãi trên các nền tảng mạng xã hội nhưng thực chất là giả mạo.

Theo đó, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, sử dụng logo Apple và lợi dụng độ "hot" của iPhone 16 để đăng tải các bài viết có nội dung: "Đặt mua sớm iPhone 16 để nhận được nhiều ưu đãi", đính kèm đường link dẫn tới trang web giả mạo, gần giống web chính thống của Apple.

Để đặt hàng, nạn nhân phải cung cấp các thông tin như số điện thoại, địa chỉ nhà, số thẻ ngân hàng và mã CVV. Với thủ đoạn này, các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền mà nạn nhân không hề hay biết.

Lừa đảo qua các trò chơi online

Một chiêu khác khá phổ biến hiện nay là lừa đảo chơi game trực tuyến. Theo thống kê của hãng bảo mật Kaspersky, từ ngày 1-7 đến nay đã xảy ra hơn 6,6 triệu vụ tấn công trên toàn thế giới liên quan trò chơi điện tử và các vật phẩm ảo. Nạn nhân của hình thức lừa đảo này phần lớn là người trẻ tuổi.

Các đối tượng xấu tạo lập các trang web giả mạo, lấy hình ảnh của người nổi tiếng trong lĩnh vực trò chơi điện tử để thu hút sự chú ý, sau đó quảng cáo về các vật phẩm giới hạn với giá trị cao. Để lấy được vật phẩm này, người chơi phải cung cấp các thông tin cá nhân và chi một số tiền nhất định. Các đối tượng cũng có thể dẫn dụ nạn nhân tải phần mềm, ứng dụng, tệp giả mạo, sau đó đánh cắp toàn bộ thông tin và dữ liệu trong thiết bị của nạn nhân.