Một số nước Liên minh châu Âu (EU) đang thiếu lao động ở nhiều ngành, nhiều cấp độ kỹ năng, nhất là các lĩnh vực: xây dựng, y tế, kỹ thuật, khối ngành dịch vụ...

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), số lượng người nước ngoài gia nhập thị trường lao động châu Âu ngày càng tăng, cho thấy nền kinh tế khu vực này ngày càng có nhu cầu về nhân lực nhập cư. Thực trạng chung của thị trường lao động châu Âu là chỗ làm trống ngày càng nhiều, nhân lực hiếm; chủ đang cần thợ, việc đang chờ người.

Trang Insider Monkey cho hay nhiều nước châu Âu đang đối diện tình trạng già hóa dân số và thiếu trầm trọng lao động có tay nghề. Thị trường lao động châu Âu đang trong tình trạng "toàn dụng nhân công", nghĩa là hầu như mọi người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động đều có việc làm.

Tại Bỉ, cơn "khát" lao động lan ra nhiều ngành. Trong đó, ngành xây dựng phải tuyển cả người không có nghề, chưa biết nghề về đào tạo. Nhân công thiếu hụt tới mức các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng bất cứ ai ứng tuyển.

Tại Bồ Đào Nha, khoảng 58.000 vị trí trong 8 lĩnh vực chính chưa tuyển được bao nhiêu người dù đã kéo dài hơn 100 ngày. Sự thiếu hụt này đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành như công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, xây dựng, nông nghiệp và năng lượng tái tạo.

Thiếu lao động lành nghề cũng là vấn đề nan giải đối với nền kinh tế Đức hiện nay. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức cho rằng nước này cần khoảng 400.000 lao động nhập cư mỗi năm để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế.

 Châu Âu xoay xở tìm kiếm nhân công 第1张

Nhiều bạn trẻ tham gia ngày hội định hướng nghề nghiệp do AHK Việt Nam tổ chức

Mới đây, Chính phủ Đức nỗ lực thúc đẩy tuyển dụng lao động từ các quốc gia bằng việc sớm ký kết những thỏa thuận di cư tiếp theo, trọng tâm là tuyển lao động lành nghề. Việc đẩy mạnh các thỏa thuận di cư là "chìa khóa quan trọng" để đưa lao động lành nghề đến Đức nhanh hơn, đồng thời giảm tình trạng di cư bất hợp pháp thông qua việc hồi hương người không được phép ở lại Đức.

Với nỗ lực thu hút lao động, nhiều hiệp hội DN hàng đầu ở Đức cho rằng cần phải hình thành "văn hóa chào đón" lao động nước ngoài. "Văn hóa chào đón" này có thể bắt đầu bằng việc cấp thị thực nhập cảnh dễ dàng hơn đối với người muốn đến Đức làm việc, sau đó cung cấp nhà ở và dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn.

Trước cuộc khủng hoảng nhân lực, lương tối thiểu đã trở thành một công cụ chính sách quan trọng nhằm thu hút lao động ở châu Âu. Tây Ban Nha đã tăng 22% mức lương tối thiểu vào năm 2019, Đức tăng 15% vào năm 2022, Pháp tăng hơn 14% và Anh tăng 10% trong năm nay...