Dù tuổi đã cao, trí óc không còn minh mẫn nhưng các cụ ông, cụ bà vẫn hăng say học hỏi để tiếp cận kiến thức công nghệ

Đều đặn thứ hai - tư - sáu mỗi tuần, các ông bà sẽ đến Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP HCM) để học về những ứng dụng công nghệ trên smartphone (điện thoại thông minh).

Học để không tụt hậu

Được khởi xướng từ năm 2010, đến nay, lớp học công nghệ miễn phí dành cho người cao tuổi thu hút hàng ngàn học viên tham gia. Mỗi khóa học kéo dài 4 tuần. Học viên sẽ bắt đầu từ những kiến thức cơ bản nhất như cách mở, tắt máy tính, sau đó là cách sử dụng các ứng dụng phổ biến trên smartphone như gọi điện, nhắn tin, tra cứu thông tin trên Google.

Ngoài ra, lớp học còn hướng dẫn học viên cách sử dụng các ứng dụng hữu ích khác như Zalo, Facebook để kết nối với gia đình và bạn bè, cũng như các ứng dụng hỗ trợ y tế và dịch vụ công trực tuyến.

Trong căn phòng nhỏ trang bị cơ sở vật chất hiện đại, bà Hồ Nguyên Hạnh (67 tuổi) đang cố gắng thực hành bài tập tìm kiếm nội dung mà mình muốn trên YouTube. Bà Hạnh hiện sống ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai. "Con gái tôi ở xa, thường hỏi thăm qua Messenger. Các cháu thuê trọ cũng lập nhóm trò chuyện trên Zalo để tiện liên lạc nhưng tôi thì mù tịt. Từ khi đến lớp, tôi đã thành thục các thao tác, dù hơi chậm" - bà Hạnh cười hiền.

 Giúp người cao tuổi bớt lạc lõng, cô đơn 第1张

Tình nguyện viên hướng dẫn các cụ thao tác trên điện thoại. (Ảnh do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ cung cấp)

Một học viên khác là ông Nguyễn Quốc (78 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM). Ở xa nên hôm nào ông cũng phải đi từ sớm cho kịp giờ học. Với ông, internet là thú vui tuổi già. Ông bộc bạch khi mạng xã hội phát triển, giao tiếp dễ hơn nhưng ông lại "bó tay" vì không biết dùng internet.

Ông Quốc kể: "Con cháu bây giờ rất bận rộn, không thể bắt chúng nó hướng dẫn mãi được. Ở đây, bạn bè lớn tuổi nên dễ dàng giao lưu, trao đổi kiến thức. Đến với lớp, tôi học được nhiều cái hay và tích lũy thêm nhiều kiến thức nhờ mạng xã hội".

Dù lớp chỉ cung cấp kiến thức cơ bản, tốc độ học cũng diễn ra khá chậm nhưng giảng viên lẫn học viên đều rất kiên nhẫn và hào hứng. Tất thảy học viên tìm đến lớp học không muốn mình lạc hậu trong guồng quay của công nghệ số.

Nâng chất lượng cuộc sống

Trong lớp, học viên nhỏ nhất cũng đã qua tuổi 50, lớn thì ngoài 80. Vì vậy, họ học sử dụng ngôn ngữ một cách đơn giản và dễ hiểu, tránh dùng các thuật ngữ kỹ thuật phức tạp. Quan trọng nhất, sự kiên nhẫn, lặp đi lặp lại là yếu tố cần có trong việc đồng hành với người cao tuổi vượt qua nỗi tự ti trước công nghệ số.

Giáo viên đứng lớp là những tình nguyện viên có nền tảng về công nghệ thông tin đến từ các trường đại học trên địa bàn TP HCM. Các bạn trẻ này không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có lòng nhiệt huyết, sự kiên nhẫn, sẵn sàng hướng dẫn học viên trong suốt quá trình học.

Lê Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF), tình nguyện viên của lớp học, chia sẻ dù các cụ ông, cụ bà đều cao tuổi nhưng niềm vui, sự nỗ lực tiếp cận công nghệ khiến tinh thần lớp học lúc nào cũng sôi nổi, trẻ trung. Các ông bà rất hăng say học tập, dù tiếp thu hơi chậm, thực hành còn vụng về.

Anh Trần Đức Sự, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, cho biết mục tiêu của lớp học là giúp người cao tuổi không chỉ làm quen mà còn sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử hiện đại, đồng thời rút ngắn khoảng cách thế hệ trong việc tiếp cận công nghệ và giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng các thiết bị này. "Lợi ích lớn nhất của việc rút ngắn khoảng cách công nghệ là sự tự tin và niềm vui mà người cao tuổi có được. Họ không còn cảm thấy lạc lõng hay cô đơn trong thế giới hiện đại, mà thay vào đó có thể giao tiếp với con cháu, bạn bè dễ dàng hơn. Hơn nữa, họ cũng có thể tự mình tìm kiếm thông tin cần thiết, tham gia các nhóm cộng đồng trực tuyến một cách nhanh chóng và an toàn, điều này thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống của họ" - anh Sự nói thêm.

Sắp tới, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ sẽ hướng dẫn các học viên ứng dụng một số công cụ trí tuệ nhân tạo trong giải trí và cuộc sống như làm thơ, tạo ảnh, sáng tác nhạc… Đây là cách để người cao tuổi cảm thấy mình không đứng ngoài sự phát triển và công nghệ trong thời đại 4.0. 

Nỗ lực xóa bỏ khoảng cách

Theo Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 11 triệu người cao tuổi - chiếm khoảng 11,9% tổng dân số. Một khảo sát của Hội Người cao tuổi Việt Nam gần đây cho thấy khoảng 60% người cao tuổi cảm thấy khó hòa nhập với con cháu do khoảng cách thế hệ và sự khác biệt về lối sống. Khoảng 40% người cao tuổi cho biết gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại, làm tăng cảm giác lạc lõng và cô đơn...

Sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều rào cản, ngăn người cao tuổi kết nối và hòa nhập với xã hội, đồng thời đòi hỏi sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình và người thân trong việc xóa bỏ khoảng cách ấy.