(NLĐO) - Các cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thuộc đối tượng quản lý của ngành y tế nhưng lại hoạt động "lấn sân" là một thách thức lớn.
Thông tin trên được BS-CK2 Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, chia sẻ tại hội nghị tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế tổ chức, ngày 22-8.
BS-CK2 Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM
Tại hội nghị BS Hồ Văn Hân cũng báo cáo về thách thức trong công tác thanh tra chuyên ngành, hành nghề trái phép trong lĩnh vực thẩm mỹ.
Theo BS Hân, trên địa bàn TP có 37 bệnh viện thẩm mỹ; 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện; 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; 3.891 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...). Đáng chú ý, hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ phi y tế lại hoạt động "lấn sân" là thách thức lớn với cơ quan quản lý nhà nước bởi số lượng cơ sở thuộc quản lý của ngành y tế chỉ bằng 20% các cơ sở phi y tế.
"Những cơ sở do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh thì không phải xin phép hoạt động có điều kiện của ngành y tế. Do đó, khi các cơ sở này "lấn sân" lại là thách thức đối với ngành y tế" - BS Hân nhấn mạnh.
Nhận định về nguyên nhân gốc rễ của việc làm đẹp không an toàn, BS Hân cho rằng do các cơ sở vì lợi nhuận mà không tuân thủ, hoặc cố tình vi phạm pháp luật; năng lực người hành nghề và quản lý cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu; quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chưa được kiểm soát tốt; tình trạng đào tạo, dạy nghề "chui"…
Trước thực trạng trên, Thanh tra Sở Y tế đã đề xuất 6 giải pháp gồm: Thứ nhất, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; thứ hai, các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ; thứ ba, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc quản lý đào tạo, dạy nghề; thứ tư, phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; thứ năm, phối hợp với Công an TP HCM xử lý các vụ việc trọng điểm; thứ sáu, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý, thông qua Tổ công tác đặc biệt.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, báo cáo tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết nhằm hạn chế các sai phạm và sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngành y tế TP HCM sẽ triển khai học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới gồm: Thứ nhất, siết chặt quy định hành nghề thẩm mỹ: Áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ và tiêu chuẩn thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Thứ 2, nâng cao nhận thức của khách hàng: Người có nhu cầu làm các dịch vụ thẩm mỹ được khuyến khích tìm hiểu kỹ về cơ sở và bác sĩ thực hiện trước khi đưa ra quyết định. Thứ 3, quản lý chặt các sản phẩm dùng trong thẩm mỹ, các sản phẩm như filler, botox phải được kiểm định chất lượng và nguồn gốc rõ ràng trước khi sử dụng.
"Hiện nay, chỉ cần vào trang thương mại điện tử đã có thể dễ dàng mua botox, họ sẽ ship về tận nhà vì đây là sản phẩm được xếp vào danh mục trang thiết bị y tế không được quản lý chặt. Trong khi đó, nhiều trường hợp tiêm botox không rõ nguồn gốc đã bị biến chứng" - BS Thượng nói.
BS Thượng nhận định để ứng dụng vào tình hình thực tế tại TP HCM, Sở Y tế khẩn trương tiếp tục chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ chỉ định đến phẫu thuật thẩm mỹ, có phác đồ chuẩn trong từng phẫu thuật đồng thời đẩy mạnh và buộc tất cả các bệnh viện, phòng khám làm nghiêm hồ sơ bệnh án về thẩm mỹ.
Tai biến do tin vào quảng cáo lố!
Tại hội nghị, báo cáo tham luận về thực trạng sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa, TS-BS Nguyễn Thị Phan Thuý, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết mỗi năm, tại bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.000-7.000 lượt khám. Trong đó, có khoảng 200-500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. 69% ca tai biến này liên quan thủ thuật tiêm chích, 16% các ca liên quan thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất...
Các sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa rất đa dạng về mức độ, từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể bị các biến chứng thông thường như nổi các nốt trên da, nám má… đến nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết dưới da, mù mắt.
Theo BS Thuý, trong các ca tai biến, có 77% bệnh nhân làm đẹp tại các cơ sở không đảm bảo chất lượng; 13% thực hiện tại nhà. Nếu làm tại các cơ sở "chui", thiết bị không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tiêm chích không đảm bảo nguồn gốc… sẽ tăng nguy cơ biến chứng cho khách hàng. Bên cạnh đó, nếu người thực hiện không nắm chuyên môn, cấu trúc mạch máu có thể điều trị sai cách, dẫn đến hậu quả nặng nề.
Nguyên nhân cuối cùng gây tai biến là việc các cơ sở quảng cáo quá lố, sai sự thật để gia tăng sự tin tưởng của khách hàng.
Đăng thảo luận