Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà qua đây đã làm lộ điểm yếu trong thiết kế, thi công, lựa chọn vật liệu xây dựng, quá trình giám sát, nghiệm thu công trình và tiêu chuẩn xây dựng ở nước ta hiện nay.

Thiệt hại nặng nề

Yagi, cơn bão lớn có sức càn quét  khi đổ bộ vào Việt Nam. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó kịp thời, chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, tính đến 18 giờ ngày 8/9, bão số 3 đã khiến 8.017 nhà ở bị hư hỏng.

Đừng vì giá cả mà bỏ qua an toàn  第1张 Gió mạnh tạt vỡ tung gạch ốp thang máy tại khu nhà ở cán bộ Viện 103, xã Tân Triều, Thanh Trì. Ảnh: Chí Tâm

Bão Yagi quét qua các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nội… khiến nhiều công trình, trụ sở, trường học bị tốc mái, vỡ kính, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ… Nhiều chung cư do ảnh hưởng của bão đã xảy ra tình trạng dột, sập trần, thậm chí nứt tường…

Đáng chú ý, trong cơn quần thảo của bão, có những chung cư đã bị cuốn bay lớp kính bên ngoài. Đơn cử như tòa khách sạn 5 sao A La Carte Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh), trong cơn bão số 3, kính bao quanh tòa nhà cao tầng này bị bóc từng tấm, bay lả tả trên không trung. Gió dữ cuốn phăng kết cấu cửa sổ và vách kính lớn.

KTS Phạm Tuấn Anh - Công ty CP kết cấu thép Đại Phát chia sẻ: “Hiện tượng chung cư vỡ kính từng mảng như vừa qua trong bão Yagi cho thấy liên kết khung vào kết cấu bao che và hệ thống chịu lực rất kém”.

Theo ngôn ngữ chuyên ngành, khu vực của cửa kính bao quanh mặt ngoài toà nhà được gọi là mặt dựng công trình. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nguyên lý, mặt dựng công trình đều phải được thí nghiệm tỷ lệ 1:1 trong phòng thí nghiệm. Nhưng trong quy chuẩn lại không có điều khoản bắt buộc phải làm thí nghiệm.

Trong khi đó việc làm thí nghiệm mặt dựng trước khi đưa vào đại trà, xây dựng công trình là rất cần thiết, để hạn chế các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Dựa trên tiêu chuẩn TCVN - 2737:2023, theo từng cấp gió và chiều cao, vị trí công trình sẽ có những phân tích, tính toán nhằm đưa ra được những số liệu chính xác để thiết kế chịu được áp lực gió bão, tải trọng công trình.

Sau khi công trình được nghiệm thu, các đơn vị thi công phải bàn giao cho chủ đầu tư quy trình vận hành, sử dụng để hướng dẫn cư dân biết sử dụng cửa/vách kính trong trường hợp bình thường cũng như khi gió bão. Tuy nhiên qua cơn bão số 3 vừa qua có thể thấy, người dân rất hoang mang với những vấn đề như: nên mở hay đóng cửa, cửa sổ khi có bão?

KTS Nguyễn Đức Trung - Phó Giám đốc ODDO Architects chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng dân dụng nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, Nhà nước cần đưa ra quy định cụ thể về chi tiết, công tác xây dựng từ bước cấp giấy phép, xuyên suốt quá trình thi công đến khi nghiệm thu để theo dõi, giám sát.

Vấn đề bảo đảm an toàn phòng, chống bão lũ cần được đưa vào quy trình kiểm soát như công tác bảo đảm phòng, chống cháy nổ. Qua đó, các đơn vị thi công có thể từ chối làm nếu các hạng mục yêu cầu không bảo đảm khả năng chống chịu của nhà ở”.

Đẹp, rẻ nhưng không… an toàn

Theo các chuyên gia, bất kể một tòa nhà hay công trình nào cũng đều có kết cấu chịu lực, kết cấu bao che. Kết cấu bao che rất quan trọng, nếu quên hoặc tính toán không cẩn thận sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. KTS Nguyễn Đức Trung cho hay: “Khi thực hiện công trình xây dựng, các chủ đầu tư đều muốn đẹp, chất lượng bảo đảm với chi phí rẻ. Việc cắt giảm chi phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề thiết kế, chất lượng công trình".

Đơn cử như hiện tượng các kết cấu cửa sổ, vách, cửa khung kim loại và kính mặt tiền nhà chung cư bị rung lắc và cuốn bay trong giông, lốc, bão có thể do chất lượng vật liệu kém, độ vênh dơ giữa các cấu kiện lắp ghép lớn, thi công lắp đặt không bảo đảm…

Còn hiện tượng rò nước có thể bắt nguồn từ vật liệu không tốt, bề mặt rạn nứt sau thời gian sử dụng, hoặc hệ gioăng cao su kém chất lượng. Các cấu trúc thường không được gia cố bằng các khớp ngầm và keo để bảo đảm kín nước khi thi công. Khâu bơm keo chuyên dụng để bịt các khe hở giữa cửa với tường gạch cũng có thể bị bỏ qua khiến kết cấu không có khả năng chống chịu áp lực do chênh áp giữa bên trong và bên ngoài khi mưa to gió lớn.

Với các công trình nhà ở ít tầng có mái nhà lợp bằng tôn hoặc fibro xi măng, rất khó có thể chịu được bão lớn. Với một siêu bão như Yagi, khi vào đến đất liền, sức gió mạnh nhất ở cấp 12 - 13 (118 - 149km/h), giật cấp 16 thì các vật liệu không kiên cố rất dễ bị giật bung.

KTS Phạm Tuấn Anh giải thích: “Về bản chất, gió bên ngoài nhà áp lực lớn hơn gió bên trong nhà nên xảy ra hiện tượng gió hút và các vật liệu như kính, tôn… thì không thể kiên cố, vững chãi như tường bao che được. Với kiến trúc đẹp, giá thành hợp lý thì đổi lại các vật liệu này không bền như tường bao”.

Với góc nhìn của người trực tiếp tư vấn thiết kế cho nhiều công trình, KTS Nguyễn Đức Trung cho rằng người dân nên thay đổi góc nhìn, lắng nghe tư vấn của đơn vị thiết kế để có thể bảo đảm tính an toàn, bền vững cho công trình. Không nên vì các chi tiết nhỏ mà phá vỡ cấu trúc, gây ra những hậu quả về lâu dài khó có thể lường trước.

Nhiều quy chuẩn xây dựng đã đề cập một phần đến các tiêu chí và chỉ tiêu về thiết kế và gia công, thi công hệ thống kết cấu vách bao che mặt tiền, bao gồm cả hệ cửa sổ, vách, cửa bằng khung kim loại và kính mặt tiền nhà chung cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc gia tăng mức độ an toàn trong thiết kế tổ chức hệ thống kết cấu này rất cần được nghiên cứu và cập nhật, bổ sung thêm.

Với đặc trưng khí hậu của Việt Nam, trải qua những cơn lũ lịch sử, hiện đã có rất nhiều ý tưởng thiết kế liên quan đến nhà chống bão lũ. Tuy nhiên bão lũ diễn ra không thường xuyên nên nhiều người dân còn chủ quan. Mặt khác, chi phí đầu tư cũng không nhỏ khiến họ chấp nhận “sống chung với bão lũ", tiết giảm chi phí xây dựng, coi nhẹ tính an toàn, bền vững của công trình.

Tuy nhiên, với diễn biến của thời tiết cực đoan, tương lai Việt Nam có thể hứng chịu nhiều cơn bão tương tự Yagi, vì vậy Nhà nước cần sớm có chính sách lâu dài để hỗ trợ người dân ở các khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi bão; nghiên cứu, học hỏi, tham khảo hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng nhằm nâng cao sức chống chịu, giảm thiểu thiệt hại do bão cho các công trình dân dụng nước ta thời gian tới.

 

Với các công trình xây dựng dân dụng cấp 4 (nhà ở cao dưới 6m), hầu như chưa có quy định cụ thể về phòng, chống thiên tai. Đặc biệt với những trường hợp nhà ở ven biển, nằm trong vùng có nguy cơ gặp bão lớn, nhiều người dân vẫn sử dụng mái tôn để xây dựng. Tuy nhiên, rất khó áp dụng tiêu chuẩn vì các công trình xây dựng nhỏ lẻ này phụ thuộc vào nhu cầu, kinh tế của người dân”.

KTS Phạm Tuấn Anh - Công ty CP kết cấu thép Đại Phát

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh bão, người dân cần chủ động thay thế các vật liệu không kiên cố, dễ bị ảnh hưởng. Đồng thời chủ động gia cố, chằng chống nhà cửa, chủ động sơ tán khỏi các nhà không bảo đảm an toàn, tuyệt đối không chủ quan, vì không ai có thể nói trước về sức tàn phá của thiên nhiên.