Năm 2024, tỉnh Đồng Nai thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thân thiện, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Nhiều mục tiêu cải cách hành chính trong năm 2024
Đồng Nai tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, tổ chức bộ máy, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện mức độ hài lòng của người dân, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số cấp tỉnh.
Theo đó, tỉnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương hành chính, cụ thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Các cơ quan, đơn vị xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, giải pháp quan trọng gắn với thực hiện hiệu quả các chương trình công tác năm 2024. Đồng Nai phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo và xây dựng các mô hình, sáng kiến mới triển khai, áp dụng vào thực tiễn, tạo dấu ấn nổi bật trong thời gian tới với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính". Tỉnh chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời khắc phục chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế; nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng Nai tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành được rà soát, kiến nghị xử lý đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong đó chú trọng việc đổi mới, nâng cao hiệu quả thực thi, tiếp cận thông tin pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Địa phương đặt mục tiêu, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt tối thiểu 80% tại cấp sở, 40% tại cấp huyện và 30% tại cấp xã; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt tối thiểu 97%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 94%.
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cần tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước.
Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí việc làm; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả điều hành, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Chính quyền thân thiện
Để thực hiện các mục tiêu về cải cách hành chính, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá như mô hình “Chính quyền thân thiện”. Từ đầu năm 2024, tỉnh Đồng Nai đã triển khai mô hình này tại các xã, phường, thị trấn nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã từ "mệnh lệnh hành chính" sang "phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục."
Phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) là địa phương tiên phong trong triển khai mô hình "Chính quyền thân thiện". Tại đây, 100% cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ đều quán triệt rõ phương châm "4 xin" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép); "4 luôn" (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ); "5 không" (không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ).
Để xây dựng và triển khai thành công mô hình "Chính quyền thân thiện," thời gian qua, phường đã áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ nhân dân như Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói; 60 phút vì dân - thân thiện hành chính… Từ đầu năm 2024 đến nay, số người dân đến đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính tăng hơn 30% so với những năm trước.
Huyện Cẩm Mỹ là địa phương đứng thứ 2 trong các đơn vị cấp huyện về cải cách hành chính. Huyện đã và đang nỗ lực triển khai mô hình "Chính quyền thân thiện" tại 13/13 đơn vị cấp xã, thị trấn. Mô hình giúp xây dựng phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở.
Đến tháng 8/2024, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã "phủ kín" mô hình "Chính quyền thân thiện".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, xây dựng chính quyền thân thiện là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy, chính quyền cơ sở nhằm phát huy dân chủ trong thực hiện các cơ chế, chính sách, chủ động nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời kiến nghị, vấn đề bức xúc của nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, quyết định có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của nhân dân.
Đình Sơn
Đăng thảo luận