Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
Tai nạn thương tích luôn rình rập
Con số đáng chú ý trên được đưa ra trong Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích với chủ đề: "Giảm thiểu gánh nặng do thương tích: Hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững” do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức. Hội nghị quy tụ gần 200 đại biểu từ các Bộ, ngành, địa phương, cùng các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Đại học Johns Hopkins, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận nhận định tai nạn thương tích không chỉ gây ra những mất mát to lớn về sinh mạng mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế và xã hội đáng kể, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Phòng, chống thương tích và bạo lực cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Theo số liệu của Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, mỗi năm có hơn 30.000 người Việt tử vong do tai nạn thương tích, chiếm khoảng 7% tổng số các ca tử vong từ mọi nguyên nhân. Trung bình mỗi ngày có hơn 80 người qua đời vì tai nạn thương tích.
Trong mô hình bệnh tật, mặc dù Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép từ bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh không lây nhiễm như ung thư, đái tháo đường và bệnh tim mạch, nhưng gánh nặng từ tai nạn thương tích cũng không thể bị xem nhẹ. Theo đó, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ hơn 11%, bệnh truyền nhiễm chiếm gần 16% và bệnh không lây nhiễm chiếm 73% trong mô hình bệnh tật.
Tai nạn thương tích là những sự việc xảy ra bất ngờ, không nằm trong dự tính, do tác nhân bên ngoài gây ra, dẫn đến thương tích cho cơ thể. Vì vậy, nguy cơ gặp phải tai nạn thương tích luôn tiềm ẩn và khó lường. Các loại tai nạn thương tích thường gặp có thể kể đến như tai nạn giao thông, đuối nước, đổ vỡ công trình, nhiễm độc, té ngã, tai nạn điện, bỏng, chấn thương thể thao và chấn thương do vật đâm cắt. Trong số đó, tai nạn giao thông, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tử vong.
Đối tượng của tai nạn thương tích rất đa dạng, bao gồm trẻ em, người lao động, người cao tuổi, người tham gia giao thông, người chơi thể thao và tất cả những người dân trong cộng đồng. Trong đó, trẻ em ở các lứa tuổi thường hiếu động, thích tò mò và nghịch ngợm, nhưng chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để phòng tránh tai nạn, do đó, tai nạn thương tích ở trẻ em thường phổ biến nhất.
Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tai nạn thương tích, mặc dù các biện pháp phòng ngừa đã và đang được triển khai, thực hiện. Thống kê của Cục Quản lý Môi trường cho thấy, mỗi năm, cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong. Riêng tại TP HCM, trong năm 2023, có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Như vậy, mỗi ngày, ở Việt Nam có hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích.
Tìm giải pháp hiệu quả giảm thiểu tai nạn thương tích
Chuyên gia hướng dẫn các tình huống tại Hội nghị khoa học quốc gia lần thứ 4 về phòng, chống tai nạn thương tích. (Ảnh: Bộ Y tế)
Trên thực tế, công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại nước ta đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ năm 2012 đến nay, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích trên 100 nghìn dân đã giảm khoảng 28%; gần 500 xã, phường được công nhận là Cộng đồng an toàn trong phòng, chống tai nạn thương tích. Tuy nhiên, số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích do biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa… ngay cả tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng còn nhiều nguy cơ.
Chia sẻ về những khó khăn và thách thức trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở Việt Nam hiện nay, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế Lương Mai Anh cho biết có nhiều yếu tố tác động. Về yếu tố khách quan, nguy cơ thương tích gia tăng trong môi trường sống liên quan đến quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng, cùng với những yếu tố thiên tai và biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường.
Yếu tố chủ quan, chính quyền địa phương ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm và đầu tư đầy đủ cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích. Nhiều nguyên nhân gây tai nạn như bỏng, hóc sặc ở trẻ em, té ngã ở người cao tuổi hay tự tử vẫn chưa được chú trọng và ưu tiên can thiệp. Hơn nữa, công tác thông tin và tuyên truyền còn hạn chế, khiến cho nhận thức về nguy cơ và biện pháp phòng ngừa tai nạn thương tích chưa sâu rộng.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phòng, chống tai nạn thương tích tại các tuyến còn hạn chế về năng lực, trong khi năng lực sơ cứu tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu khi xảy ra thương tích. Các nghiên cứu về tai nạn thương tích vẫn còn ít, chưa đủ để đánh giá hiệu quả của các chương trình can thiệp và dự phòng. Các số liệu nghiên cứu cũng chưa được tích hợp và chia sẻ trong hệ thống giám sát tai nạn thương tích chung.
Đối mặt với những khó khăn và thách thức nêu trên, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu tai nạn thương tích, đồng thời giảm thiểu tối đa những hậu quả mà chúng gây ra. Hiện nay, Việt Nam đã và đang xây dựng các chính sách và triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích, đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ em.
Về phần chính sách: Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13 đã quy định cụ thể về hoạt động cấp cứu ngoại viện; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024 đã đưa vào một số điểm mới liên quan đến quy định về thiết bị an toàn của trẻ em; Bộ Y tế đang đề xuất các nội dung liên quan đến các biện pháp can thiệp hiệu quả và sơ cứu tai nạn thương tích trong Luật Phòng bệnh; chương trình quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 và một số chương trình và dự án can thiệp dựa vào bằng chứng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Song song với đó, các hoạt động liên quan cũng được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ giữa các ban, Bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích. Bao gồm cả việc nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn, tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để phòng ngừa tai nạn. Việc nắm vững kiến thức về cách phòng ngừa tai nạn thương tích là một phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng. Việc nâng cao kiến thức người dân về dự phòng tai nạn thương tích là chìa khóa giảm thiểu tai nạn thương tích nhập viện và tử vong do tai nạn thương tích.
Đơn cử trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, Bộ Y tế đã tham gia ký kết Kế hoạch liên ngành về Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022 - 2030, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng 9 Bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan (Luật Phòng bệnh, đề án phát triển y tế trường học) và tăng cường triển khai các can thiệp cụ thể như dạy bơi, loại bỏ nguy cơ thương tích tại nhà, trường học, nơi công cộng song song với triển khai truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn thương tích trên các kênh truyền thông và tại cơ sở y tế.
Theo WHO, tai nạn thương tích chiếm tới 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 80% là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm có 4,4 triệu người chết (chiếm gần 8% tổng số các trường hợp tử vong) và 78 triệu người tàn tật vĩnh viễn do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngã và bạo lực là những nguyên nhân chính.
(Theo PLVN)
Đăng thảo luận