Đề nghị cho phép bán thuốc qua mạng với trường hợp khám, chữa bệnh từ xa

(Dân trí) - Nêu thực tế việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định cho phép bán thuốc qua mạng với trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, đi kèm 2 điều kiện.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 6, chiều 29/8, với nội dung được quan tâm liên quan việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, một số đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử trong khi một số ý kiến khác tán thành.

 Bán thuốc qua mạng phải đi kèm điều kiện

Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết, nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Đề nghị cho phép bán thuốc qua mạng với trường hợp khám, chữa bệnh từ xa  第1张

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Ảnh: Hồng Phong).

Báo cáo tham khảo kinh nghiệm quốc tế của Bộ Y tế cho thấy, một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh đều cho phép việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Do đó, Thường trực Ủy ban xin được quy định việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử tại dự thảo Luật này.

Để bảo đảm thận trọng, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ quy định việc cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử "thuộc danh mục thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

"Tôi thấy quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ", đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu ý kiến.

Ông nêu thực tế việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn tất nhiên phải kê đơn điện tử, bệnh án điện tử, đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh. "Đó chính là thương mại điện tử, hầu hết là các loại thuốc được kê đơn", ông Trí nói.

Vị đại biểu đề nghị cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng với những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, đi kèm điều kiện. Một là thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc. Hai, người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.

"Đã là thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn"

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết theo dự thảo luật, nếu bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử thì sẽ thực hiện với danh mục thuốc không kê đơn. Nhưng dự thảo cũng quy định hình thức bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc.

Đề nghị cho phép bán thuốc qua mạng với trường hợp khám, chữa bệnh từ xa  第2张

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Ảnh: Hồng Phong).

"Triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn, bởi nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ", bà Hà nói.

Nữ đại biểu giải thích thêm, theo quy định việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít, mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, bán lẻ thuốc là bán đến tay người tiêu dùng.

Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc cần phải chứng minh được mình bán cho ai, bán cho một nhà thuốc hoặc một công ty dược. Nếu cơ sở kinh doanh thuốc không bán đúng đối tượng vào các cơ sở có pháp nhân thì bị phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

"Trong giao dịch bán buôn thuốc thực tế, cơ sở bán buôn thuốc có trách nhiệm xác định bên có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược để thực hiện việc mua bán. Nhưng trên môi trường thương mại điện tử, trách nhiệm này thuộc về bên bán thuốc hay bên sàn thương mại điện tử?", bà Hà đặt câu hỏi.

Hơn nữa, nữ đại biểu cho rằng việc quy định thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn thực sự rất khó khăn, bởi có rất nhiều loại thuốc phải kê đơn theo giới hạn nồng độ, ví dụ Acyclovir là thuốc bôi ngoài da, nếu với nồng độ dưới 5% là thuốc không kê đơn, nhưng trên 5% lại là thuốc kê đơn.

Nhấn mạnh quan điểm cá nhân, bà Hà nói "đã là thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn". Theo bà, đây là một mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

Đề nghị cho phép bán thuốc qua mạng với trường hợp khám, chữa bệnh từ xa  第3张

Các đại biểu Dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6, chiều 29/8 (Ảnh: Hồng Phong).

Dự thảo Luật cũng quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc. Bà Hà đánh giá quy định này rất tốt, tuy nhiên, đã là sàn thương mại điện tử thì giao dịch 24/24 giờ, 7/7 ngày nên bà băn khoăn việc bố trí lực lượng nhân viên để tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách thức sử dụng thuốc cho người mua.

Dù nội dung này giao cho Bộ trưởng Y tế quy định, song theo đại biểu Hà, cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân trên môi trường thương mại điện tử.