Vùng ven, nông thôn làm sao phát triển, khi những phiên đấu giá đất không khác gì thổi giá?
"Đấu giá làm cho giá đất không biết đâu mà lần, vị trí của các lô đất đáng ra phải lấy trung tâm Hà Nội làm chuẩn, gần thì giá cao, xa thì giá thấp.
Như Thanh Oai cách tới hơn 30 km mà giá đất cả trăm triệu không thua kém gì Hoài Đức cách 20 km. Vì thế Thanh Oai chỉ có 12/68 người trúng nộp tiền đợt một, như vậy là có vấn đề.
Nhìn sang Đông Anh, Gia Lâm, thấy kiến trúc đô thị sầm uất mà giá đất thị trường cũng như vậy.
Người đầu tư mua đất cũng phải nhìn ra vấn đề này chứ cứ đấu giá đại rồi bỏ cọc, làm mất thời gian của người tổ chức và làm cho giá đất không đúng với giá trị gây nhiễu loạn thị trường.
Giá đất khởi điểm ở Hoài Đức chỉ có 7,3 triệu đồng một m2, qua những phiên đấu giá vọt lên 133 triệu đồng một m2. Vậy sau này rút kinh nghiệm, đẩy giá ban đầu lên bằng giá thị trường khu vực này là 40 triệu đồng một m2, thì giá đấu không cần tăng 18 lần, chỉ cần tăng 5 lần là đã 200 triệu đồng một m2 là chuyện có thể, bởi giá đất ở Thủ Thiêm còn bị đẩy lên đến hơn hai tỷ đồng một m2.
Vậy làm cách nào để giá không tăng sốc cho thị trường và mua lướt sóng ăn chênh? Chỉ có một cách là rút ngắn thời gian nộp tiền tức 50% nộp ngay sau một tuần, 50 % nộp sau một tháng và không được chuyển nhượng trong vòng hai năm.
Tất nhiên như vậy thì người có thực lực mới dám tham gia và họ không thể đẩy giá quá cao vì thiệt hại cho chính mình. Lúc đó chắc chỉ còn 1/10 người đi đấu giá thôi.
Nếu chúng ta lấy mục tiêu đấu giá là kéo giá xuống thấp hơn hoặc bằng giá thị trường để phát triển sản xuất để an sinh xã hội thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được.
Còn như hiện nay đấu giá, kéo giá lên để thu tiền thì dù giá là 7,3 triệu đồng một m2 hay 40 triệu đồng một m2 thì giá cuối cùng cũng không thể thấp. Đất ở đô thị lớn bảo khan hiếm thì còn có lý, chứ đất nông thôn mà giá này thì coi như tắc đường phát triển".
Độc giả hongnhungpaticusi bình luận như trên, về những phiên đấu giá đất ở các huyện ven Hà Nội gây ồn ào trong thời gian gần đây.
Hơn 1 tháng qua, các cuộc đấu giá đất tại loạt huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức đã gây xôn xao thị trường với mức trúng cao kỷ lục trên 100 triệu đồng một m2. Trong đó, một lô đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức có mức trúng được đẩy lên tới hơn 133 triệu một m2. Sau đó, các cơ quan quản lý đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hiện tại, trong số 68 lô đất trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai, mới có 13 nhà đầu tư nộp tiền dù đã hết thời hạn thanh toán. Các lô này chỉ có giá trúng từ 51,6 triệu đến 55 triệu một m2. Còn 55 lô trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng một m2 đều bỏ cọc, không nộp tiền.
* Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp
Đăng thảo luận