Vụ bộ đàm hóa bom ở Li Băng: Số người chết tăng lên 20
(Dân trí) - Số người chết và bị thương do nổ hàng loạt bộ đàm ở Li Băng tiếp tục tăng, gây sức ép lên hệ thống y tế ở thủ đô Beirut.
Hàng loạt bộ đàm phát nổ ở Li Băng (Ảnh: Getty).
Guardian dẫn số liệu của Bộ Y tế Li Băng cho biết, số người thiệt mạng trong vụ nổ hàng loạt bộ đàm ở nước này ngày 18/9 đã tăng từ 9 lên ít nhất 20 người. Trong khi đó, hơn 450 người khác bị thương.
Như vậy, các vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng 2 ngày qua đã khiến ít nhất 32 người chết và khoảng 3.250 người bị thương.
Con số thương vong lớn đang gây sức ép lên hệ thống bệnh viện ở thủ đô Beirut của Li Băng.
Tại một bệnh viện ở ngoại ô phía nam Beirut, nhiều nạn nhân được điều trị trong bãi đậu xe trên những tấm nệm mỏng. Tại một bệnh viện khác trong khu vực, nạn nhân vụ nổ thậm chí được điều trị trên ô tô.
"Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ thấy ai đi trên đường rồi phát nổ. Tôi thấy người bị thương nằm la liệt trên mặt đất", Musa, một người dân địa phương ở ngoại ô phía nam Beirut, cho biết.
Hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng trong 2 ngày qua (Ảnh: Reuters).
Các vụ nổ bất ngờ và lan rộng đã gây ra cảnh hỗn loạn trên khắp Li Băng. Tại những túp lều tạm dựng dưới một cây cầu ở ngoại ô phía nam Beirut, hàng chục người chen chúc đến hiến máu trong khi tiếng còi xe cứu thương liên tục vang lên.
Đến nay chưa có bên nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ nổ thiết bị liên lạc hàng loạt ở Li Băng mặc dù Hezbollah và giới chức Li Băng nghi ngờ Israel đứng sau vụ việc. Israel không xác nhận hay phủ nhận cáo buộc.
Về phía Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby khẳng định Washington không liên quan đến làn sóng nổ thiết bị này.
Ông Kirby cũng cho biết, còn quá sớm để kết luận liệu những vụ nổ trên có ảnh hưởng đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza hay không.
Vụ nổ hàng loạt bộ đàm ở Li Băng diễn ra chỉ một ngày sau khi hàng nghìn máy nhắn tin tại nước này bất ngờ phát nổ khiến gần 3.000 người thương vong, trong đó có các thành viên của phong trào Hezbollah.
Các máy nhắn tin này được cho là thuộc lô hàng mà Hezbollah đã đặt mua từ nước ngoài và đưa về Li Băng từ đầu năm nay. Hiện có nhiều giả thuyết liên quan đến các máy nhắn tin ở Li Băng, trong đó có giả thuyết loại thiết bị này bị gắn ngòi nổ có thể kích hoạt từ xa.
5.000 máy nhắn tin của Hezbollah bị gài thuốc nổ suốt nhiều tháng?
Reuters dẫn nguồn tin an ninh cấp cao Li Băng ngày 18/9 cho biết, lực lượng Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin từ công ty Gold Apollo của Đài Loan và lô hàng được đưa vào Li Băng từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Israel (Mossad) bị cáo buộc đã can thiệp "ngay từ khâu sản xuất".
"Mossad đã gắn bảng mạch bên trong thiết bị có gài chất nổ có thể nhận mã kích hoạt từ xa. Bảng mạch và thuốc nổ này rất khó phát hiện, kể cả bằng máy quét", nguồn tin nói.
Một nguồn tin an ninh khác cho biết, có tới 3gr chất nổ được giấu trong máy nhắn tin mới và không bị Hezbollah phát hiện trong nhiều tháng.
Đến chiều 17/9, khoảng 3.000 máy nhắn tin này đồng loạt phát nổ, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng, gần 2.800 người bị thương, trong đó có Đại sứ Iran tại Li Băng.
Hình ảnh các máy nhắn tin phát nổ cho thấy đây là mẫu máy nhắn tin AP-924 do công ty Gold Apollo của Đài Loan sản xuất.
Tuy nhiên, ông Hsu Ching-Kuang, nhà sáng lập Gold Apollo, khẳng định họ không sản xuất thiết bị này. Vị đại diện này cho biết, công ty BAC có trụ sở ở châu Âu đã mua giấy phép sử dụng thương hiệu để sản xuất AP-924
Theo Reuters
Đăng thảo luận