Tình trạng xe máy leo lên vỉa hè để đi diễn ra phổ biến ở nhiều tuyến đường tại TP.HCM, khiến người dân có nhà mặt tiền cũng ngán ngẩm.
Nhiều xe máy chạy lên vỉa hè đường Kha Vạn Cân (TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Chạy xe lên vỉa hè còn bóp kèn inh ỏi
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hàng loạt vỉa hè nằm dọc tuyến đường số 2 (nối Kha Vạn Cân và Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức, TP.HCM), Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Thị Sáu… thường xuyên có xe máy chạy lên. Tại một số vị trí, vỉa hè bị bể nát.
Đơn cử đường số 2 - một trong những tuyến chính nối Kha Vạn Cân và Võ Nguyên Giáp (TP Thủ Đức) - có lượng người đi lại đông nên thường xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm. Để đi nhanh hơn, nhiều người đã lái xe máy leo vỉa hè.
Ô tô lấn chiếm vỉa hè, lấn hẻm, lòng đường: Chẳng lẽ bó tay chịu trận?ĐỌC NGAY
Tình trạng tương tự xảy ra trên đường Võ Thị Sáu, quận 3. Đoạn đường này được coi là nỗi ám ảnh với người dân qua đây do thường kẹt xe.
Vào giờ cao điểm, xe phải nhích từng chút một. Để thoát khỏi "điểm nóng" kẹt xe, nhiều người tranh nhau chạy xe lên vỉa hè. Bề mặt vỉa hè tại đoạn này "tơi tả" dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa, chắp vá.
"Vỉa hè dành cho người đi bộ mà người đi xe máy chiếm muốn hết chỗ. Thậm chí không ít lần người đi xe máy bóp kèn inh ỏi kêu né ra. Tôi chưa kịp né là họ đã buông lời khó nghe", chị Hân (26 tuổi, ngụ quận 3) bức xúc.
Mở quán bán đồ ăn sáng ở mặt tiền đường Kha Vạn Cân, bà Thúy Quyên (55 tuổi) cho biết nhiều người biến vỉa hè làm đường đi cũng khiến lượng khách tới ăn quán bà giảm sút.
Trước quán có khoảng 2,5m chiều rộng, bà dành một khoảng nhỏ để tạm xe của thực khách.
"Có người leo lên vỉa hè chạy tốc độ cao, quệt vào đuôi xe của khách. Phần vỉa hè trước quán bị bể gạch liên tục. Có thời điểm dù đường không đông nhưng họ vẫn chọn cách leo vỉa hè. Có nhà mặt tiền cũng chẳng sung sướng gì" - bà Quyên than phiền.
Liên quan vấn đề này, theo Công an TP.HCM, trong chín tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 32.349 trường hợp người lái xe máy đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố (chiếm 6% tổng số trường hợp).
Việc người dân lái xe chạy trên vỉa hè là nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông cho chính họ và nhiều người khác. Bên cạnh đó, việc này còn dễ khiến vỉa hè xuống cấp, hư hỏng.
Khi cảnh sát giao thông trực tiếp điều chỉnh giao thông ở các giao lộ thì sẽ ưu tiên việc giải tỏa ùn tắc giao thông. Bởi vì thời gian ùn tắc càng kéo dài thì người dân đi lên vỉa hè càng nhiều.
"Về nguyên nhân khách quan khác dẫn đến thực trạng trên, diện tích đất hiện tại của TP.HCM dành cho giao thông chỉ đạt 12 - 13%, trong khi tiêu chuẩn cần ít nhất là 22 - 26%", theo số liệu từ Công an TP.HCM.
Vỉa hè đường số 2 (TP Thủ Đức) bị bể nát - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sẽ xử lý xe chạy lên vỉa hè, mức phạt ra sao?
Theo Công an TP.HCM, vỉa hè là phần đường chỉ dành cho người đi bộ. Người dân lái xe đi lên vỉa hè là vi phạm luật giao thông (trừ việc đi lên vỉa hè để vào nhà).
Theo quy định, người lái ô tô đi trên vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Còn người lái xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng.
Để hạn chế việc này, Công an TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, các đơn vị có trách nhiệm không để xảy ra lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cản trở giao thông.
Thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường xử lý vấn đề này. Đặc biệt là đối với các quán ăn mua mang đi có nhiều shipper dừng chờ, ảnh hưởng giao thông.
Việc người dân đi ngược chiều và đi trên vỉa hè là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc trong giờ cao điểm.
Những người đi trên hè phố khi nhìn thấy cảnh sát giao thông sẽ chuyển hướng đi đúng quy định. Nếu chờ người này đến giao lộ để xử lý thì cũng dễ gây ùn tắc.
Vì vậy, cảnh sát giao thông sẽ cử thêm người và quyết liệt hơn để xử lý những người này. Từ đó dần tiến tới xóa bỏ tình trạng người dân đi xe máy lên vỉa hè.
Bên cạnh đó, một số nơi cũng đã được lắp đặt rào chắn ngăn việc đi xe trên vỉa hè. Trước mắt Công an TP.HCM sẽ làm nghiêm tại một số nơi ở trung tâm TP.HCM.
Các trường học, công ty, xí nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.
Đăng thảo luận