Mục tiêu lớn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao, nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống.

Đồng thời nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.

Việt Nam phấn đấu đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á  第1张 Việt Nam hai lần đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào các năm 2003 và 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Đặc biệt, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong top 2 tại các kỳ SEA Games, trong top 15 tại các kỳ Asiad và top 50 tại các kỳ Olympic. Bóng đá nam trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai Asiad, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định.

Cần lộ trình cụ thể, rõ ràng

Trong lịch sử, Việt Nam mới chỉ có hai lần đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) vào các năm 2003 và 2022 tại Hà Nội. Việt Nam cũng từng đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà dành cho các môn thi đấu trong nhà tại Hà Nội và đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á tại Đà Nẵng năm 2016 nhưng quy mô hẹp, tính chất chuyên môn không cao.

Nhìn lại quá khứ, Việt Nam từng xây dựng kế hoạch và đã được Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đồng ý cho đăng cai Asiad 2018 tại Hà Nội. Tuy nhiên, vì không đáp ứng được nhiều điều kiện, sau đó Chính phủ đã xin rút không đăng cai Đại hội và Indonesia là quốc gia được lựa chọn đăng cai Asiad 18 diễn ra năm 2019. Nguyên nhân xin rút là Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung về kinh tế và chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như Asiad.

Việt Nam phấn đấu đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao châu Á  第2张 Việt Nam phấn đấu duy trì trong top 3 tại các kỳ SEA Games và trong top 20 tại các kỳ Asiad. Ảnh: Ngọc Tú

Được biết, đề án đăng cai Asiad 18 được Việt Nam đưa ra với chi phí tổ chức là 150 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với các kỳ Asiad trước đó (Asiad Busan năm 2002: 2,9 tỷ USD; Doha 2006: 2,8 tỷ USD; Quảng Châu 2010: 20 tỷ USD; Incheon 2014: 1,6 tỷ USD). Lý do là bởi Việt Nam đã có sẵn khoảng 35 công trình như: sân vận động Mỹ Đình, Cung Thể thao dưới nước, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội... từ thời tổ chức SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009, chiếm khoảng 70% và chỉ cần nâng cấp là sử dụng được; 30% còn lại được triển khai xây mới. 

Ngoài các công trình có sẵn thời điểm đó, Việt Nam cần xây mới một số công trình như sân đua xe đạp lòng chảo, làng vận động viên, nhà thi đấu đa năng, trường bắn súng, trường bắn đĩa bay, sân tập luyện và đua ngựa, cụm sân tennis...

Đăng cai tổ chức Asiad là sự kiện lớn của châu lục, khác hoàn toàn với SEA Games bởi nhiều nội dung thi đấu, sự cạnh tranh quyết liệt và yêu cầu chuyên môn buộc nước chủ nhà phải đáp ứng mọi điều kiện. Ở thời điểm hiện tại, điều kiện đáp ứng trong việc tổ chức Đại hội thể thao lớn của Việt Nam là chưa khả thi khi cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chưa nói đến yếu tố chuyên môn. Thành tích tại Asiad 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2023 của thể thao Việt Nam còn kém xa so với các nước của châu lục, thậm chí còn tụt lại so với khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy nguồn thu hầu như không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.

Do đó, theo các chuyên gia, việc Việt Nam phấn đấu đăng cai tổ chức Asiad trong giai đoạn 2031 - 2045 là chính đáng nhưng cần lộ trình cụ thể, tránh những rủi ro khi đã có bài học nhãn tiền. Điều khả thi nhất đó là liên kết với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á để đăng cai tổ chức, trong đó Indonesia là quốc gia có kinh nghiệm khi từng đăng cai Asiad 18 diễn ra năm 2019. 

 

Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của Nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.

​_#box1729480389388{background-color:#fff995} #box1729483852292{background-color:#fffbb9} #box1729499172533{background-color:#d5f0d8}