Ukraine - Nga chạy đua bóp nghẹt huyết mạch chiến đấu của đối phương

(Dân trí) - Cả Nga và Ukraine đang tìm cách tấn công làm suy yếu tuyến tiếp tế hậu cần quan trọng của đối thủ.

Ukraine - Nga chạy đua bóp nghẹt huyết mạch chiến đấu của đối phương  第1张

Binh sĩ Ukraine khiêng đạn pháo ra chiến trường (Ảnh: Getty).

Huyết mạch của bất cứ cuộc chiến nào là mạng lưới hậu cần nhằm đảm bảo binh sĩ nhận được thiết bị phù hợp vào thời điểm phù hợp.

Cả Ukraine và Nga đều có mạng lưới hậu cần khá rộng lớn, cung cấp nguồn lực cho các lực lượng trải dài trên một mặt trận dài 1.000km. Mỗi bên đều sở hữu hàng nghìn xe bọc thép và đốt một lượng lớn nhiên liệu diesel mỗi ngày. Trong khi Nga đang bắn khoảng 10.000 viên đạn pháo mỗi ngày, và Ukraine đang bắn 2.000 viên.

Nếu không có nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược liên tục, cả lực lượng Nga và Ukraine sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Với tính chất quan trọng và dễ bị tổn thương vốn có của các tuyến tiếp tế này, cả hai bên đang tăng cường nỗ lực để phá vỡ huyết mạch quan trọng của đối phương.

Các kênh tiếp tế của Moscow bao gồm các kho lớn chủ yếu nằm ở Nga, từ đó họ vận chuyển thiết bị bằng xe tải đến binh lính ở tiền tuyến tại Ukraine. Các lực lượng Nga đang tiến hành các hoạt động tấn công ở Ukraine, theo hướng Kharkov, Vovchansk và Chasov Yar.

Các tuyến hậu cần bị gián đoạn sẽ cản trở khả năng phát động một cuộc tấn công cơ giới vào các tuyến phòng thủ của Ukraine. Những thách thức về hậu cần như vậy đã khiến Nga gặp khó khăn trong giai đoạn đầu cuộc chiến.

Tuy nhiên, các hoạt động tiếp tế của Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn khi cuộc chiến tiếp diễn.

Chiến lược của Ukraine có hai nội dung chính. Đầu tiên, quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái để phá hủy các kho tiếp tế của Nga.

Vào đầu tháng 8, quân đội Ukraine đã tấn công các kho nhiên liệu của Nga ở các khu vực Belgorod, Kursk và Rostov. Hơn nữa, quân đội Ukraine đã nhắm mục tiêu và phá hủy một kho đạn dược của Nga ở Voronezh vào đầu tháng 7.

Ukraine đang tấn công các kho nằm sâu hơn trong lãnh thổ Nga khi công nghệ UAV của Kiev được cải thiện. Trong khi đó, quân đội Nga đang phải nỗ lực tăng cường nỗ lực bảo vệ các kho hậu cần này.

Ukraine cũng nhắm vào các đoàn xe tiếp tế của Nga. Quân đội Nga sử dụng kết hợp các xe tải hậu cần quân sự, chẳng hạn như GAZ-66 và KamAZ 43118, và các xe tải thương mại theo hợp đồng.

Xe vận tải có khả năng cơ động hạn chế nên thường chỉ di chuyển được trên đường lớn. Vì vậy, chúng rất dễ bị UAV và hỏa lực của Ukraine tấn công. Theo kênh tình báo nguồn mở Oryxspioenkop, lực lượng Nga có thể mất khoảng 90 xe tải tiếp tế mỗi tháng.

Động thái của Nga

Nga cũng đang nhắm vào các tuyến tiếp tế của Ukraine. Đầu năm nay, Nga đã đạt được những thành quả đáng kể khi Ukraine cạn kiệt đạn pháo do phương Tây cung cấp.

Mặc dù hiện nay có một dòng đạn ổn định chảy vào Ukraine, Nga đang cố gắng ngăn chặn chúng đến được mặt trận.

Nga cũng dùng chiến thuật tương tự như Ukraine nhưng thách thức của Moscow là Kiev có một mạng lưới hậu cần chắc chắn hơn Nga. Do Ukraine trong thế phòng thủ và họ hoạt động trên lãnh thổ của họ kiểm soát trong nhiều năm nên việc bảo vệ tuyến hậu cần dường như hiệu quả hơn Nga.

Ngoài ra, Ukraine cũng sử dụng các phương tiện dân sự để vận tải hậu cần, khiến việc nhằm mục tiêu của Nga trở nên khó khăn hơn.

Trước tình huống này, Nga đã liên tục tấn công vào cơ sở năng lượng của đối thủ nhằm làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động tiếp tế hậu cần.

Ngoài ra, thay vì nhắm trực tiếp vào các kho vũ khí của Ukraine, Nga rải mìn trên các con đường mà tuyến đường tiếp tế mà Ukraine sử dụng.

Sử dụng hệ thống mìn do pháo binh cung cấp, quân đội Nga có thể rải mìn chống tăng từ xa trên khắp các con đường, khiến các đoàn xe không thể đi qua nếu không có nỗ lực rà phá bom mìn kỹ lưỡng.

Những quả mìn chống tăng này thường đi kèm với mìn chống bộ binh để cản trở quá trình rà phá. Chiến thuật này được cho là đã được sử dụng ở Kharkov để phá vỡ các nỗ lực tiếp tế của Ukraine trước một chiến dịch tấn công quy mô lớn .

Theo Forbes