Tổng thống Putin vạch lằn ranh đỏ hạt nhân với phương Tây

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin đã gửi thông điệp cứng rắn tới phương Tây khi nêu rõ những trường hợp Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin vạch lằn ranh đỏ hạt nhân với phương Tây  第1张

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga tham gia cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moscow năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần này đã vạch ra "lằn ranh đỏ" cho Mỹ và các đồng minh của nước này bằng cách ra tín hiệu rằng, Moscow sẽ cân nhắc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu họ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.

Tuy nhiên, phương Tây có thể đang tự hỏi: liệu nhà lãnh đạo Nga có thực sự có ý định đó hay không?

Theo Reuters, câu hỏi này rất quan trọng đối với diễn biến của cuộc chiến. Nếu ông Putin chỉ đang "nói suông", như Ukraine và một số nước ủng hộ Kiev nhận định, phương Tây có thể sẵn sàng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev bất chấp cảnh báo của Moscow.

Nếu ông Putin thực sự nghiêm túc, sẽ có nguy cơ - từng được Moscow nhiều lần tuyên bố và được Washington thừa nhận - rằng cuộc xung đột có thể biến thành Thế chiến ba.

Trong tín hiệu cảnh báo mới nhất hôm 25/9, Tổng thống Putin đã mở rộng danh sách các kịch bản có thể dẫn đến việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga có thể hành động như vậy để đáp trả một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn với sự tham gia của máy bay, tên lửa hoặc máy bay không người lái. Một cường quốc hạt nhân ủng hộ một quốc gia tấn công Nga cũng sẽ bị coi là một bên tham gia vào cuộc tấn công đó.

Cả hai tiêu chí trên đều có thể áp dụng vào tình huống thực tế nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do họ cung cấp như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh, một cuộc tấn công mà ông Putin cho rằng cần có sự hỗ trợ của phương Tây.

"Đó là một thông điệp rất rõ ràng: "Đừng mắc sai lầm - tất cả những điều này có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân"", Nikolai Sokov, người từng là nhà ngoại giao thời Liên Xô và Nga, cho biết.

Bahram Ghiassee, nhà phân tích hạt nhân tại tổ chức nghiên cứu Henry Jackson Society có trụ sở tại London, đã liên hệ thời điểm ông Putin đưa ra tuyên bố trên với việc Ukraine vận động phương Tây viện trợ tên lửa tầm xa. Trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng trình bày quan điểm này với Tổng thống Joe Biden.

"Ông Putin đang tuyên bố rằng: hãy dừng lại ngay tại đó", chuyên gia Ghiassee nói.

Ukraine đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine chỉ trích Nga đe dọa hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Nga là "vô trách nhiệm" và không đúng thời điểm, đồng thời cho rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Putin đưa ra cảnh báo hạt nhân.

Andreas Umland, một nhà phân tích tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, nhận định Tổng thống Putin đang chơi trò chơi tâm lý nhằm "nắn gân" các nhà lãnh đạo và cử tri của các quốc gia ủng hộ Ukraine.

Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ và chuyên gia quốc phòng tại Oslo, cho biết ông không tin rằng có thể phớt lờ cảnh báo của Tổng thống Putin, nhưng điều quan trọng là không nên phản ứng thái quá.

"Việc sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga không phải là điều sắp xảy ra. Mối quan ngại chỉ có cơ sở khi Nga phát tín hiệu chuẩn bị thực sự", ông Hoffmann bình luận.

Chuyên gia Hoffmann cho biết các bước tiếp theo của Nga có thể là đưa đầu đạn ra khỏi kho vũ khí và lắp chúng lên các phương tiện phóng để tấn công chiến thuật, trước khi tăng cường sẵn sàng cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trên quy mô lớn bằng cách chuẩn bị các hầm chứa và đặt máy bay ném bom trong tình trạng báo động. Tuy nhiên, tất cả động thái này đều có thể bị các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện.

"Việc đưa ra tuyên bố rất dễ dàng và có tác động về mặt chính trị, nhưng không có bằng chứng cho thấy họ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, và nếu có chúng ta cũng có thể phát hiện được", chuyên gia Hoffmann cho biết thêm.

Tuy nhiên, so với các tuyên bố trước đây, Tổng thống Putin lần này đã nêu cụ thể hơn về các trường hợp có thể thúc đẩy Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, những bình luận của ông Putin có ý nghĩa như một tín hiệu gửi đến các nước phương Tây rằng, sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu họ tham gia các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

Sergei Markov, cựu cố vấn Điện Kremlin, cho biết những điều chỉnh này đã mở ra cánh cửa cho Nga sử dụng vũ khí chiến thuật trên mặt trận hạt nhân trong một số tình huống nhất định, cụ thể là đối phó với Ukraine.

"Ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân đã được hạ xuống. Bây giờ, Nga sẽ dễ dàng sử dụng vũ khí hạt nhân hơn. Lý do thay đổi học thuyết hạt nhân là mối đe dọa về một cuộc leo thang toàn diện từ phương Tây. Phương Tây chắc chắn rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trước. Nhưng Nga đang nói rằng họ đã sẵn sàng làm như vậy", ông Markov cho biết.

Theo ông Markov, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tấn công Ukraine hoặc các căn cứ không quân ở Romania hoặc Ba Lan nếu máy bay chiến đấu của Ukraine xuất kích từ đó, và nếu Kiev - với sự hỗ trợ từ vệ tinh của Mỹ hoặc Anh - sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công thủ đô Moscow hoặc các khu vực miền trung nước Nga.

Nhà phân tích quân sự Nga Igor Korotchenko cho biết, những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga là cần thiết vì phương Tây đã bỏ qua một loạt tín hiệu cảnh báo trước đó của Nga về việc leo thang căng thẳng, bao gồm các cuộc tập trận của Nga vào mùa hè để diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

"Chúng tôi thấy rằng các đối thủ phương Tây không còn tôn trọng bất kỳ lằn ranh đỏ nào nữa. Họ tin rằng bất kỳ hành động nào nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine và các cuộc tấn công do phương Tây hỗ trợ nhằm vào các cơ sở sâu bên trong lãnh thổ Nga sẽ không dẫn đến leo thang hạt nhân", ông Korotchenko cho biết.

Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là cựu Tổng thống Nga, cũng cho rằng những cảnh báo của Tổng thống Putin sẽ khiến Ukraine và phương Tây phải suy nghĩ lại.

Theo Reuters