PhápTổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, khẳng định vai trò không thể thay thế của cơ chế đa phương trong các vấn đề quốc tế.

Tại phiên họp "Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới" trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ hôm 5/10 ở Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định vai trò không thể thay thế của các cơ chế đa phương, đề cao đóng góp của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và thể chế Pháp ngữ trong xử lý vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, cũng như tiến trình xây dựng khuôn khổ, nguyên tắc đối với các vấn đề mới nổi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương cần gắn liền với các tiến trình chuyển đổi lớn, nhất là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Không gian Pháp ngữ cũng cần thích ứng với xu hướng này, hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực về công nghệ, phát triển năng lượng sạch và thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Khoa học, công nghệ là chìa khóa để cộng đồng Pháp ngữ có thể tạo nên những đột phá trong tương lai.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cao cơ chế đa phương tại hội nghị Pháp ngữ  第1张

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên họp "Vì một chủ nghĩa đa phương đổi mới" ngày 5/10. Ảnh: TTXVN

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cần đẩy mạnh cải tổ để có thể ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của tình hình, tập trung hơn vào ưu tiên của các thành viên, nhất là về hợp tác kinh tế và phối hợp triển khai các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh tương lai.

Chủ nghĩa đa phương chỉ có thể thành công nếu bảo đảm được tính bao trùm, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, đặc biệt là thế hệ trẻ, theo lãnh đạo Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp ngữ tiếp tục thúc đẩy các chương trình giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, giáo dục thông qua tiếng Pháp nhằm duy trì một ngôn ngữ đẹp gắn kết các thành viên, qua đó lan tỏa kết quả hợp tác đến với người dân.

Tại hội nghị, các lãnh đạo cũng chia sẻ quan ngại về một số diễn biến phức tạp của tình hình thế giới gần đây, nhất là tại khu vực Trung Đông; nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế đa phương, trong đó có các thể chế Pháp ngữ, tăng cường hiệu quả hoạt động và kịp thời thích ứng với những xu thế của thời đại.

Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ với chủ đề "Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp" là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước trao đổi, bàn bạc, giải quyết những thách thức lớn đối với quá trình phát triển và đổi mới.

Cộng đồng Pháp ngữ có 88 thành viên và quan sát viên, với các nước châu Âu như Pháp, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Sĩ, các nước châu Phi như Mali, Morocco, Cameroon và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Campuchia. Tổng dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu.

Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 bế mạc chiều 5/10, với nhiều văn kiện quan trọng được thông qua, trong đó có Tuyên bố chung Villers-Cotterêts, Nghị quyết về tình hình chính trị và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ, Tuyên bố về đoàn kết với Lebanon.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tối 5/10 gặp cộng đồng người Việt tại Pháp ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam, Paris. Cộng đồng người Việt tại Pháp có hơn 300.000 người, với hơn 200 hội đoàn; đội ngũ trí thức đông đảo với khoảng 50.000 người và hàng nghìn doanh nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cao cơ chế đa phương tại hội nghị Pháp ngữ  第2张

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp cộng đồng người Việt Nam tại Pháp ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam, thủ đô Paris của Pháp ngày 5/10. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), đề xuất một số kiến nghị liên quan tới tạo thuận lợi cho việc trở lại quốc tịch Việt Nam và xin quốc tịch Việt Nam, tháo gỡ khó khăn trong việc cấp căn cước cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đại diện Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thu Vân bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ tài chính cho phong trào cộng đồng từ ngân sách hoặc từ các doanh nghiệp trong nước; đề xuất ý tưởng tổ chức Diễn đàn dành riêng cho giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài; mong muốn các bộ, ngành liên quan trong nước hỗ trợ Hội tổ chức Diễn đàn về khoa học công nghệ cho cộng đồng trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học và doanh nghiệp trẻ tại Pháp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao đổi, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của bà con, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần kịp thời, thấu đáo và triển khai các biện pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng người Việt tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung luôn phát huy tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, hướng về quê hương, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau.

Huyền Lê (Theo TTXVN)