Giáo viên lớp con tôi 'hồn nhiên' gửi nguyên cả file online dữ liệu cá nhân của học sinh cả lớp lên nhóm chung, bất chấp nguy cơ bị lộ.
Về nguyên tắc, các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, họ tên... cần bảo mật trong tình hình lừa đảo tăng cao khắp nơi như hiện nay. Tuy nhiên, ở trong chính trường học, ban giám hiệu, giáo viên lại dường như chưa quan tâm đến vấn đề này.
Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng tám là tôi thấy các trường dán danh sách thông tin của mấy trăm học sinh chuẩn bị nhập học đầu cấp lên bảng tin đặt ngoài cổng trường, với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại, tên họ... Bất cứ ai đi qua cũng có thể dễ dàng đọc và chụp hình lại các dữ liệu này và sử dụng vào những mục đích riêng.
Vào đầu năm học, mặc dù các phụ huynh đã điền đầy đủ vào phiếu thông tin học sinh để nộp lại cho nhà trường nhưng giáo viên lại "hồn nhiên" gửi nguyên cả file online dữ liệu cá nhân của học sinh cả lớp lên nhóm chung để phụ huynh tự điền lại một lần nữa. Như vậy, chỉ một thao tác đơn giản thì bất cứ ai cũng có thể sao chép lại những thông tin này để sử dụng cho mục đích khác.
Hoặc những lần đăng ký các sự kiện khác cũng vậy, giáo viên lớp con tôi cũng gửi cả file excel chứ toàn bộ thông tin học sinh cả trường cho phụ huynh, thay vì nhắn riêng vài người đã đăng ký để xác nhận. Tất cả dữ liệu từ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của gia đình học sinh chẳng khác nào miếng mồi ngon để người xấu rao bán cho các đơn vị telesale gọi chào mua bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, nhận gia sư, mời học tại các trung tâm Tiếng Anh...
>> Tôi sốc vì giáo viên yêu cầu phụ huynh gửi thông tin cá nhân qua nhóm chat
Gần đây, thường xuyên xuất hiện những cuộc gọi giả danh shipper giao hàng để yêu cầu chuyển khoản thanh toán, những cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tiền... Báo chí đã liên tục đưa tin cảnh báo nhưng các nạn nhân bị mắc bẫy vẫn gia tăng. Và khi mà các giáo viên cứ "hồn nhiên" gửi hết file này đến file khác mà không quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân cho học sinh và gia đình các em thì chẳng khác nào "mỡ dâng trước miệng mèo", cung cấp miễn phí cho những kẻ trục lợi, lừa đảo.
Hiện nay, luật quy định rất rõ về "hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác". Theo đó, các tổ chức thu thập dữ liệu cũng phải có biện pháp bảo mật thông tin, tránh bị đánh cắp; khi thu thập thông tin phải mã hóa trước khi lưu trữ và sử dụng dữ liệu; đồng thời cần nghiêm túc rà soát lại hệ thống để bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng.
Do vậy, tôi đề nghị cần ra soát, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động bảo mật thông tin của học sinh và bản thân các trường cũng cần nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong công việc này.
- Mất sạch gia tài 200 triệu đồng sau một ngày làm kế toán online
- 'Nhắn tin theo cú pháp để có Internet miễn phí trong tâm bão'
- 'Thoát pressing' khi bị hai người bạn Facebook dụ vào bẫy lừa làm việc online
- Tôi tự tay dâng 200 triệu đồng cho kẻ lừa đảo
- 'Công an' yêu cầu chuyển khoản 4 tỷ đồng
- 'Ngân hàng cần xác thực tài khoản lừa đảo thay vì bắt nhận diện khuôn mặt'
Đăng thảo luận