Temu, Shein, Taobao đang tạo nên làn sóng mới tại Việt Nam với giá rẻ và chính sách miễn phí vận chuyển. Người tiêu dùng Việt đang bị thu hút mạnh mẽ, tạo ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa.

Temu, Shein, Taobao 'càn quét' thị trường Việt Nam, người tiêu dùng vui buồn lẫn lộn  第1张

Trong ảnh là hàng hóa đang phân loại tại Bắc Ninh của một doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Temu chọn đơn vị này để giao hàng tại Việt Nam - Ảnh: CÔNG TRUNG

Sau bài viết Đến lượt Temu, Taobao đổ bộ thị trường Việt Nam (Tuổi Trẻ ngày 15-10), nhiều bạn đọc của báo Tuổi Trẻ đã chia sẻ trải nghiệm mua sắm từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc, từ niềm vui mua hàng giá rẻ đến nỗi thất vọng vì chất lượng kém.

Nhiều ý kiến lo ngại nếu không có chính sách bảo vệ, các doanh nghiệp nhỏ trong nước sẽ phải đóng cửa, chỉ còn các công ty FDI tồn tại, gây khó khăn cho người tiêu dùng Việt khi phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Doanh nghiệp Việt: Thay đổi hay bị loại khỏi cuộc chơi  

Theo bạn đọc pham****@gmail.com, nhiều nước như Indonesia, Malaysia đang kêu cứu vì bị các hãng của Trung Quốc chiếm hết thị phần.

"Chúng ta phải tìm cách, nếu không các nhà bán lẻ bị mấy trang thương mại điện tử này "nuốt hết". Vấn đề cốt lõi ở đây là giá cả. Hàng Trung Quốc không chỉ rẻ mà còn có chính sách giao hàng miễn phí", bạn đọc này nói.

  • Nhờ đâu hàng Trung Quốc về Việt Nam thần tốc, giá rẻ?

  • Hàng Trung Quốc vào quá nhanh, quá rẻ, hàng Việt cần được 'tiếp sức'?

Cũng chia sẻ về câu chuyện mua sắm của bản thân, bạn đọc Nhung Chan cho hay mua hàng Việt tại Việt Nam, vận chuyển hết 3-5 ngày và mất 85.000 đồng tiền ship cho đôi giày em bé. Tuy nhiên khi mua hàng từ Trung Quốc, thời gian giao hàng cũng chỉ khoảng 5 ngày và phí ship là 0 đồng.

Người tiêu dùng như bạn đọc Hà Minh lại đối diện với bài toán chi phí. Mặc dù muốn ủng hộ sản phẩm Việt nhưng với mức giá chênh lệch lớn. 

Trường hợp mua một chiếc tủ nhựa ở Việt Nam giá 1,2 triệu đồng so với 860.000 đồng ở Trung Quốc, người tiêu dùng khó có thể từ chối lựa chọn rẻ hơn.

Temu, Shein, Taobao 'càn quét' thị trường Việt Nam, người tiêu dùng vui buồn lẫn lộn  第2张

Các chuyến xe chở hàng thương mại điện tử từ cửa khẩu Bằng Tường, Trung Quốc giáp tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam - Ảnh: CÔNG TRUNG

Nhiều bạn đọc nhận thấy đây là lúc doanh nghiệp Việt phải thay đổi để không bị loại khỏi thị trường. Bạn đọc Kay Công thẳng thắn: "Đây là lúc các doanh nghiệp nội cần nhìn lại mình và thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi".

Bạn đọc Anh Vũ bày tỏ: "Doanh nghiệp nội phải tự nhìn nhận lại mình, thay đổi hay là "chết". Cá nhân tôi vẫn ưu tiên dùng hàng Việt với điều kiện chất lượng bằng, kém hơn một chút, nhưng giá thành phải cạnh tranh".

Vấn đề của doanh nghiệp Việt không chỉ nằm ở sản xuất, mà còn ở hệ thống vận hành và chính sách thuế.

Bạn đọc Duy chỉ ra rằng chi phí vận chuyển trong nước đang cao hơn cả hàng từ Trung Quốc. Một đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ tốn 30.000 đồng tiền vận chuyển, trong khi từ TP.HCM về Đồng Nai mất 42.000 đồng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa cần tối ưu chi phí, và Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Cuộc cạnh tranh từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn lên.

Như bạn đọc gon****@gmail.com nhận xét người tiêu dùng hiện nay cần gì: Giá rẻ, miễn phí vận chuyển hoặc phí thấp, giao hàng nhanh, hàng chất lượng tốt. Nếu đáp ứng được các tiêu chí này thì hàng hóa ở Việt Nam hay ở Trung Quốc đều được.

Cần tiếp sức cho doanh nghiệp Việt trên sàn thương mại điện tử, bảo vệ lợi ích lâu dài

Theo các chuyên gia, thời gian tới sẽ là thời kỳ thử thách cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên gia thương mại điện tử Lê Tuấn cho rằng việc có thêm người chơi trên thị trường sẽ làm sôi động hơn và mang lại lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, khi họ có nhiều lựa chọn hơn về giá cả và sản phẩm.

Tuy nhiên khi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Temu, Shein, hay 1688.com tiến sâu vào thị trường Việt Nam với phiên bản tiếng Việt, chấp nhận thanh toán nội địa và giao hàng tận nơi, thị trường trong nước sẽ phải đối mặt với những biến đổi không nhỏ. Đặc biệt, điều này đặt ra thách thức lớn cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp nhỏ trong nước.

Một trong những hệ lụy cần lường trước là nguy cơ phá sản hàng loạt của các nhà cung cấp và doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, dẫn đến việc làm cho người lao động mất đi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây ra những hệ quả xã hội tiêu cực, như trộm cắp và bất ổn an ninh trật tự. 

Hệ thống ngân hàng cũng sẽ chịu tác động khi không còn nguồn vay từ các doanh nghiệp trong nước.

Bạn đọc Nguyễn Dũng cũng nhận định rằng nếu không có chính sách bảo vệ hàng hóa nội địa, các cơ sở sản xuất nhỏ sẽ sớm phải đóng cửa, chỉ còn lại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động. 

Cuối cùng, bạn đọc An Lê nhấn mạnh sự chênh lệch về quy mô đầu tư. Với các công ty Việt Nam, việc đầu tư hàng chục nghìn USD để đúc khuôn sản xuất một sản phẩm là điều khó khăn vì luôn lo ngại về khả năng thu hồi vốn.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra số vốn lớn để sản xuất hàng loạt và bán trên toàn thế giới, khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên quy mô lớn.