Cơ quan soạn thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng.
Ngày 28/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận về dự án luật này và đã có 124 lượt ý kiến.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 9 chương, 61 điều; quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, lực lượng, phương tiện, bảo đảm điều kiện hoạt động và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ…
Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh của luật để bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung trong dự thảo.
Có ý kiến đề nghị rà soát nội dung dự thảo luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật.
Cơ quan soạn thảo đã bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước; Điều 8 về trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Điều 56 về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp...
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng cháy đối với nhà ở; phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện; nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Cần ưu tiên nguồn lực cho phòng cháy, chữa cháy
Đề cập tới chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 4), đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, tại Khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định: “bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”
Với quy định trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị ban soạn thảo luật xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...”. Bởi vì nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ không thể thực hiện được.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu ý kiến.Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản, dập tắt đám cháy.
Theo đại biểu, có như vậy mới giải quyết được những khó khăn hiện nay và sẽ giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả hơn, tạo sự yên tâm trong nhân dân.
Đăng thảo luận