Sống dưới chân đồi dựng đứng, hàng chục người dân thấp thỏm lo sạt lở

(Dân trí) - Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng ghi nhận nhiều hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở và lên phương án di dời để đảm bảo an toàn.

Những ngày này, gia đình chị Từ Thị Hạnh, 39 tuổi, ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng sống trong thấp thỏm, lo âu vì triền đồi sau nhà có nguy cơ sạt lở.

Theo nữ chủ nhà, vào những ngày mưa lớn, nước từ trên cao đổ xuống kéo theo lượng lớn bùn đất. Hiện nay, khu vực đồi sau nhà trở thành taluy dựng đứng cao gần 10m.

Sống dưới chân đồi dựng đứng, hàng chục người dân thấp thỏm lo sạt lở  第1张

Khu vực sạt lở gần mỏ khai thác khoáng sản ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

"Những gốc thông hàng chục năm tuổi ở trên cao đã trơ gốc, có thể đổ ập xuống nhà bất cứ lúc nào. Những ngày mưa to gió lớn, gia đình chúng tôi rất lo sợ", chị Từ Thị Hạnh nói và cho biết thêm, gia đình chị đã dùng các bao đất để ngăn chặn sạt lở cũng như ngừa bùn đất đổ vào vườn nhà.

Cách nhà chị Hạnh không xa là khu vực vách núi cao khoảng 30m, cạnh một mỏ khai thác khoáng sản đã đóng cửa. Tại đây có 2 vị trí xuất hiện tình trạng sạt trượt, nhiều gốc thông lớn đổ ngổn ngang.

Một người dân cho biết, khu vực này nguy hiểm và chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở.

Ông này nói: "Không kể ngày mưa bão mà cả ngày nắng chúng tôi cũng không dám đến gần vách núi này. Hiện tại, cách khu vực sạt lở khoảng gần 100m là nhà của một số hộ dân nên nhiều người lo lắng".

Sống dưới chân đồi dựng đứng, hàng chục người dân thấp thỏm lo sạt lở  第2张

Khu vực đồi nguy cơ sạt lở phía sau nhà các hộ dân tại thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Theo ông Nguyễn Tấn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, khu vực đồi có nguy cơ sạt lở đất nói trên thuộc khoảnh 5, tiểu khu 277B do Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý.

Tại đây, cơ quan chức năng ghi nhận hiện trạng đồi có cây bụi, thông dầu tái sinh, chiều dài khu vực nguy cơ sạt lở khoảng 250m với độ cao 10-30m.

Lãnh đạo UBND xã Hiệp Thạnh thông tin, vừa qua, địa phương này báo cáo lên UBND huyện Đức Trọng về nguy cơ sạt lở. Đồng thời đề xuất phương án thực hiện hạ tải trọng đất ở đỉnh đồi, mái dốc, tránh sạt trượt, đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của các hộ dân sinh sống tại khu vực.

Được biết, dưới chân đồi nguy cơ sạt trượt hiện có khoảng hơn 10 hộ dân sinh sống. Vào những ngày mưa lớn, UBND xã Hiệp Thạnh thông báo, yêu cầu các hộ dân này di dời ra khỏi khu vực để đảm bảo an toàn.

Sống dưới chân đồi dựng đứng, hàng chục người dân thấp thỏm lo sạt lở  第3张

Đất đá từ trên cao sạt xuống ở khu vực đồi tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, địa phương xảy ra 5 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 2 trận sét đánh, 2 vụ sạt lở đất. Trong đó 2 vụ sạt lở đất tại huyện Đam Rông làm 2 căn nhà của người dân bị đổ sập, 3 người tử vong.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, hướng dẫn thực hiện hạ tải trọng đất đỉnh đồi, mái dốc, xử lý đất dôi dư để chống sạt lở đất.

Sở này đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực đồi có nguy cơ sạt lở và lên phương án hạ tải trọng để thực hiện trong thời gian sớm nhất.