Con đường từ địa danh cổng trời Mường Lát xuống nhà Sùng A Hồng đi men theo sườn đồi. Sau đợt mưa lũ vừa qua, con đường bị sạt lở đất đá lẫn bùn nhão. Còn từ TP Thanh Hóa, đi 200 cây số mới tới nhà Hồng.
Sùng A Hồng và em gái út tại gia đình ở bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Chúng tôi cùng Hồng cuốc bộ hơn 15 phút mới đến nhà. Ngôi nhà nhỏ, lợp mái tôn, thưng ván gỗ nằm lọt thỏm dưới thung lũng đầy mây mù với màu xanh đồi sắn, nương ngô.
Sùng A Hồng (21 tuổi) là người dân tộc Mông, là con thứ 6 trong gia đình có 11 anh chị em, trú tại bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Nghỉ học 3 năm nhường các em đến trường
Khi tôi hỏi sao 21 tuổi mới tốt nghiệp THPT, Hồng kể năm 2018, anh thi đậu vào lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), cách nhà hơn 100km. Đi học xa nhà, sau Hồng còn 5 đứa em cũng đang độ tuổi đến trường học cái chữ.
Thấy cha mẹ ngày càng già yếu vì vất vả, số lượng ngô, sắn trên chiếc gùi cha mẹ gùi về nhà mỗi khi vào vụ thu hoạch vơi dần đi vì lưng cha mẹ đã mỏi mệt, Hồng muốn ở nhà phụ giúp gia đình, nhường học hành cho các em.
Những hôm về nhà thăm gia đình, Sùng A Hồng dành thời gian dạy học cho em gái út đang học tiểu học - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ở trường học xa nhà, mỗi khi nhớ về hình ảnh cha mẹ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nước mắt Hồng cứ rơi. Học xong lớp 10, Hồng quyết định nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, nhường cho các em đến trường.
Năm 2019, vào năm học mới mà không thấy con trai xuống trường, ông Sùng A Lo (59 tuổi, bố của Hồng) động viên anh đi học. Nhưng Hồng quyết ở nhà làm nông với cha mẹ.
Sau đó, những đứa em của Hồng vào học Trường trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa, có đứa em giáp Hồng học nghề chăn nuôi thú y đã ra trường, đi làm cho trang trại nuôi heo ở tỉnh Hòa Bình.
Trở lại trường học, HS giỏi tỉnh, đậu đại học điểm cao
Sau 3 năm ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, chăn nuôi trâu, lợn, gà bán lấy tiền cho các em được đến trường, Sùng A Hồng bắt đầu có suy nghĩ chín chắn hơn.
Thấy chị gái trong họ đi học sư phạm mầm non, tốt nghiệp về làm giáo viên dạy ngay xã nhà, hằng tháng có lương ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn, Sùng A Hồng ngưỡng mộ lắm.
Vậy là Hồng xin cha mẹ đi học lại. Năm học 2022-2023, Hồng quyết định xin vào học lớp 11 tại Trường THPT Mường Lát, cách nhà gần 50km.
Sùng A Hồng và thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 11 và 12 Quách Hồng Ngọc tại Trường THPT Mường Lát - Ảnh: HÀ ĐỒNG
"Mỗi tuần, cha mẹ dành dụm cho Hồng 50.000 đồng để mua đồ ăn mặn, còn gạo và rau củ quả đem từ nhà lên phòng trọ nấu ăn. Có tuần cha mẹ chưa bán được gà, được lúa thì mình lại đi bắt cá suối, hái rau ven bờ sông Mã ăn tạm cho xong bữa" - Sùng A Hồng tâm sự.
Những bài tập khó, Hồng tranh thủ hỏi thầy cô, trao đổi với bạn bè. Hồng dành nhiều thời gian cho việc ôn luyện, làm bài tập trong sách giáo khoa, sách tham khảo mượn của thầy cô giáo.
Dù từng nghỉ học 3 năm, trở lại trường, Hồng đã nỗ lực bứt phá, học hành nghiêm túc để có kết quả thi đại học với số điểm ấn tượng, ở khối D66 môn văn được 8 điểm, môn giáo dục công dân 9,25 điểm, môn tiếng Anh 7 điểm; còn khối C20 môn văn 8 điểm, môn địa lý 8,75, môn giáo dục công dân 9,25. Hồng trúng tuyển và vừa nhập học ngành ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).
Sùng A Hồng vượt cổng trời Mường Lát thành công để đến giảng đường Trường Đại học Hồng Đức - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thầy giáo Nguyễn Nam Sơn - phó hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Mường Lát - cho biết: "Em Sùng A Hồng là tấm gương đầy nghị lực, luôn vượt khó, hiếu học. Năm học lớp 11, tại cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh, Hồng đoạt giải ba môn giáo dục công dân. Năm học lớp 12, Hồng đoạt giải khuyến khích môn này.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lấy điểm xét tuyển đại học, Sùng A Hồng cũng là một trong số học sinh nằm trong nhóm điểm cao của trường. Đây là kết quả xứng đáng dành cho cậu học trò người dân tộc Mông hiếu học, tự vượt qua cổng trời Mường Lát để đến với giảng đường đại học".
Con đường từ cổng trời Mường Lát xuống nhà Sùng A Hồng, ở bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ông Ngân Văn Lon - chủ tịch UBND xã Trung Lý - cho hay: "Gia đình ông Sùng A Lo ở bản Khằm 1 thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Nhà ông Lo có đông con nên cái khó, cái nghèo cứ bủa vậy mãi.
Đến nay, 5 người con đầu của ông Lo đã xây dựng gia đình riêng. Còn từ Sùng A Hồng trở đi đang ở độ tuổi ăn học.
Ngoài Sùng A Hồng vừa thi đỗ vào Trường Đại học Hồng Đức, gia đình ông Lo còn có hai con gái đang học Trường trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa".
Cha mẹ nghèo nhưng yêu cái chữ
Chiều muộn, ông Sùng A Lo và vợ là Giàng Thị Hái mới đi làm nương về. Chiếc gùi trên lưng ông Lo có thêm mấy củ măng rừng. Vào trong bếp lấy chiếc bao đựng gạo, ông đổ gạo vào, kèm thêm túi măng để sáng sớm Sùng A Hồng kịp đón xe khách đi xuống trường.
Ông Sùng A Lo đong gạo cho con trai Sùng A Hồng đem xuống trường - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa ló qua đầu núi, mây mù còn bao phủ hàng chục nóc nhà thấp của đồng bào dân tộc Mông ở bản Khằm 1, Sùng A Hồng xách bao gạo, túi măng và tư trang trèo lên phía cổng trời Mường Lát để kịp đón xe khách đến giảng đường đại học.
"Hôm tôi nhập học, cha mẹ dành dụm cả năm, cộng với tiền hỗ trợ của em trai đang làm thuê ở tỉnh Hòa Bình mới được 10 triệu đồng, đưa để tôi nộp học phí và chi tiêu tháng đầu tiên ở TP Thanh Hóa. Sau khi nhập học, thuê chỗ ở ổn định, tôi sẽ xin đi làm thêm để trang trải cuộc sống.
Còn số tiền học bổng nhận được từ chương trình Tiếp sức đến trường báo Tuổi Trẻ, tôi sẽ nhờ cha mẹ giữ giùm, để chi tiêu tiết kiệm cho đủ một năm học đại học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Sau này ra trường, có việc làm ổn định, tôi sẽ trở lại tri ân chương trình, giúp đỡ người khó khăn" - Sùng A Hồng tâm sự.
Còn ông Sùng A Lo đưa con trai đến cổng trời Mường Lát, căn dặn: "Con về thành phố học tốt nhé. Bố mẹ còn trồng được lúa ngô trên nương, trồng sắn trên đồi, chăn nuôi con trâu, con gà, con lợn thì còn lo cho con học xong đại học".
Ông Sùng A Lo nói xong, nở nụ cười hạnh phúc vì trong 11 đứa con của ông, Sùng A Hồng là đứa đầu tiên bước vào giảng đường đại học.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm "Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường", "Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ" - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Nghĩa tình Phú Yên"; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.
Đăng thảo luận