Hà NộiCác nhà khảo cổ phát hiện hơn 100 mộ táng thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn (2.500-4.000 năm trước) tại di chỉ Vườn Chuối ở huyện Hoài Đức.

Giữa tháng 10, đoàn khai quật từ Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 năm trước) và 40 mộ táng Đông Sơn (khoảng 2.500 năm trước) tại di chỉ Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Cuộc khai quật được tiến hành từ cuối tháng 3, trên diện tích hơn 6.000 m2 với 60 hố nghiên cứu, mỗi hố rộng 100 m2.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết trước đây các nhà khoa học chỉ phát hiện mộ chôn riêng lẻ trong nơi cư trú thì đây là lần đầu tiên phát hiện khu nghĩa địa riêng của giai đoạn tiền Đông Sơn.

"Các bộ xương được bảo tồn tương đối tốt giúp chúng ta tìm hiểu được sự tiếp nối cũng như sự thay đổi trong táng thức của người xưa. Từ dữ liệu về xương người, chúng ta có thể thành lập phả hệ gen của người cổ để so sánh với người hiện đại, qua đó biết được nguồn gốc chúng ta", bà Dung nói.

Phát hiện nghĩa trang 4.000 năm ở di chỉ Vườn Chuối  第1张

Mộ táng phát hiện tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Kết quả khảo cổ cho thấy Vườn Chuối là ngôi làng được con người thời đại Kim khí khai phá, làm chủ lâu dài, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn. Phát hiện cũng cho thấy sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngay nay; chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ đã tìm thấy cột nhà, bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài tương tự nhà dài của một số tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây. "Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng", đoàn khai quật nhận định.

Phát hiện nghĩa trang 4.000 năm ở di chỉ Vườn Chuối  第2张

Khu vực khai quật di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000 m2. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Đoàn khai quật đề nghị UBND và Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho phép tiếp tục nghiên cứu phần còn lại ở di tích và nghiên cứu chuyên sâu; đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp thành phố, có kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Địa điểm Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 1969, từ đó đến nay đã có 11 đợt khai quật. Các nhà khảo cổ đánh giá đây là di chỉ hiếm và quý trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Trong hai năm 2019-2020, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học xác định diện tích phân bố di tích ở gò Vườn Chuối là 12.000 m2. Trong đó một nửa phía đông nằm trong công viên của khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, nửa phía tây nằm trong phạm vi vành đai 3.5.

Phát hiện nghĩa trang 4.000 năm ở di chỉ Vườn Chuối  第3张

Mộ táng phát hiện tại di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp

Căn cứ đề xuất của nhóm khai quật, các ngành chức năng đã cho phép bảo tồn 6.000 m2 phía đông di tích làm công viên Di sản văn hóa và khai quật, di dời các hiện vật ở 6.000 m2 phía tây di tích để xây dựng vành đai 3.5.

>>Phát hiện mới tại di chỉ Vườn Chuối

Gia Chính