Phi hành đoàn trên chuyến bay gặp nạn hôm 2-1 của Japan Airlines nhận được nhiều khen ngợi khi đã hành động bình tĩnh và chính xác trong việc sơ tán hành khách, tuy nhiên vẫn cần rút ra bài học kinh nghiệm về thời gian sơ tán.

Phi hành đoàn Japan Airlines cứu được hết khách nhưng vẫn bị 'rút kinh nghiệm'  第1张

Máy bay của Japan Airlines bốc cháy tại sân bay Haneda, Nhật Bản, ngày 2-1 - Ảnh: AFP

"Hành khách trước tiên"

Theo báo Asahi của Nhật, thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay 516 của Hãng Japan Airlines (JAL) đang được khen ngợi vì đã đưa ra các quyết định một cách bình tĩnh và hành động nhanh chóng giúp cứu mạng hàng trăm hành khách trong vụ tai nạn ngày 2-1.

Chiều tối 2-1, tại sân bay Haneda, máy bay của JAL đã va chạm với một máy bay của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản. Cả hai máy bay đều bốc cháy dữ dội.

Tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay của JAL đều thành công thoát khỏi chiếc máy bay. Tổng cộng có 15 người trên chuyến bay bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng.

“Đó là một phản ứng tuyệt vời. Tôi nghĩ các đào tạo hằng ngày của họ đã được đền đáp”, giảng viên thỉnh giảng Izumi Egami của Đại học Tsukuba nhận xét. Bà cũng là cựu tiếp viên hàng không với 30 năm kinh nghiệm.

Các tiếp viên hàng không mỗi năm sẽ phải thực hiện "diễn tập sơ tán khẩn cấp định kỳ". Bài kiểm tra sẽ bao gồm cả lý thuyết lẫn thực hành.

Bài kiểm tra thực hành sẽ kiểm tra việc tiếp viên có thể đưa ra các chỉ dẫn chính xác cho hành khách trong tình huống khẩn cấp bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật nhằm giữ họ bình tĩnh và hướng dẫn họ đến cửa thoát hiểm.

Nếu không thể vượt qua bài kiểm tra, tiếp viên sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.

“Trong trường hợp có vấn đề xảy ra lúc hạ cánh, các tiếp viên được huấn luyện tập trung vào việc trấn an hành khách cho đến khi chiếc máy bay dừng hẳn”, bà Egami nói.

Mỗi tiếp viên sẽ chịu trách nhiệm cho một “khu vực thoát hiểm” trên máy bay. Trong tình huống khẩn cấp, các tiếp viên phải xác nhận tất cả hành khách trong khu vực của họ đã sơ tán hết trước khi bản thân tiếp viên rời khỏi máy bay.

“Họ được đào tạo một cách nghiêm ngặt là ‘hành khách trước tiên’”, bà Egami cho biết.

Phi hành đoàn Japan Airlines cứu được hết khách nhưng vẫn bị 'rút kinh nghiệm'  第2张

Tiếp viên của Hãng hàng không Japan Airlines - Ảnh: REUTERS

Rút kinh nghiệm về thời gian sơ tán

Mặc dù không có thiệt hại nhân mạng trên chuyến bay gặp nạn của JAL, một số ý kiến vẫn cho rằng việc sơ tán có thể nhanh hơn nữa.

Một hành khách 28 tuổi trên chuyến bay kể anh đã phải đợi trong khoang máy bay đầy khói và chịu sức nóng từ ngọn lửa bên ngoài máy bay. Anh thắc mắc tại sao cửa thoát hiểm không được mở ngay lập tức.

“Vụ tai nạn vẫn còn nhiều chi tiết chưa rõ. Nhưng tôi có cảm giác rằng việc sơ tán đã diễn ra quá lâu”, chuyên gia hàng không và cựu phi công của JAL Hiroshi Sugie nhận định.

Cả quá trình sơ tán của chiếc máy bay gặp nạn mất 18 phút.

  • Vì sao máy bay Japan Airlines cháy mạnh mà không phát nổ?

  • Airbus cử chuyên gia đến hỗ trợ điều tra tai nạn máy bay tại Nhật Bản

Cựu phi công cho biết khi ông còn làm việc, ông và phi hành đoàn trong lúc huấn luyện đã luyện tập để hoàn thành mọi việc trong 90 giây, từ lúc phi công ra lệnh sơ tán cho đến khi tất cả thoát ra ngoài.

Hồi tháng 8-2007, một máy bay của Hãng hàng không China Airlines đã bốc cháy ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Naha ở tỉnh Okinawa (Nhật Bản). Mất 3 phút 15 giây để 165 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay sơ tán hết.

Ông Sugie nói nếu ngọn lửa trên máy bay của JAL lan nhanh hơn, thiệt hại nhân mạng có thể đã rất nghiêm trọng.

Trong khi đó, cựu tiếp viên hàng không JAL và giảng viên tại Đại học Meisei - Sayori Kodama nhận định tai nạn là một tình huống khó lường và phi hành đoàn trên chuyến bay chắc hẳn đã gặp khó khăn trong việc nắm bắt tình hình.

“Nếu họ vội vàng mở cửa thoát hiểm, lửa có thể tràn vào khoang máy bay, đặt hành khách vào tình huống cực kỳ nguy hiểm. Họ có thể đã dành thời gian để bình tĩnh xác định lối thoát có thể sơ tán”, cựu tiếp viên Kodama cho biết.