Trong suốt hơn 50 năm qua, việc Việt Nam tham gia Công ước 1972 với 7 di sản thế giới đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Việt Nam.

Tham gia Công ước 1972 nhằm bảo vệ bền vững những di sản văn hoá quốc gia

Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của UNESCO là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hoà giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương. Bảo vệ bền vững không chi di sản thế giới mà còn bảo vệ những di sản văn hoá quốc gia. 

Ngày 16/11/1972, tại kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987 đến nay, Việt Nam đã luôn thực hiện nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế-xã hội.

Việt Nam đã chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới như Hội nghị Chuyên gia về Chính sách của UNESCO về Di sản thế giới và Phát triển bền vững (2015), Hội nghị quốc tế về Bảo tồn và Phát triển Di sản đô thị (2017), Hội thảo quốc tế "Di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới" (2018), Kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới (2022), Hội nghị quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam (2023)… và Việt Nam sẵn sàng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong thời gian tới.

Việc Việt Nam tham gia Công ước 1972 đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương. Các cơ sở pháp lý, chính sách, thể chế, bộ máy quản lý, bảo vệ di sản của Việt Nam đã và đang được xây dựng, không ngừng hoàn thiện. 

Xây dựng các chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Theo đánh giá của Nhà ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trong 50 năm qua, công ước 1972 đã và đang ngày càng phát triển, hoàn thiện và chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị toàn cầu, đúng như tinh thần mà UNESCO xác định “là những gì chúng ta kế thừa từ quá khứ, những gì đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta và là những gì chúng ta truyền lại cho thế hệ mai sau.”

Với vai trò là “tổ chức trí tuệ,” “phòng thí nghiệm các ý tưởng,” UNESCO đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho Việt Nam không chỉ về tri thức, nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực để phát triển và xây dựng đất nước, mà còn có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Đặc biệt, năm ngoái, lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) diễn ra tại Ninh Bình với chủ đề "Di sản thế giới vì tự cường và phát triển bền vững."

Lễ kỷ niệm cùng sự kiện đón tiếp Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thể hiện vai trò, đóng góp và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế nhằm tôn vinh, phát huy giá trị của Công ước đồng thời cũng giúp quảng bá rộng rãi những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy di sản thế giới.

“Chuyến thăm chính thức Việt Nam của bà Tổng Giám đốc Audrey Azoulay với nhiều hoạt động có ý nghĩa, tiếp tục khẳng định giá trị và tầm quan trọng của mối quan hệ hiệu quả, thiết thực giữa Việt Nam và UNESCO. Lễ kỷ niệm lần này cũng góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung,” ông Hà Kim Ngọc nói.

Đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025.

Trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao

Ngày 22/11 tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu ủng hộ rất cao.

Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp nhận xét: Đây là lần thứ 2 chúng ta đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của Tổ chức UNESCO. Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.

Việc trúng cử với số phiếu cao cũng thể hiện uy tín của ta trên trường quốc tế, sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu; ghi nhận đóng góp thiết thực của ta trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới. Đây là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, quá trình vận động bài bản, đồng bộ, rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, Paris (Pháp), và thủ đô các nước thông qua các cơ quan đại diện.

Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu và ưu tiên của Công ước Di sản thế giới, chia sẻ các kinh nghiệm trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển các di sản thế giới tại Việt Nam như Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay đã khẳng định: "Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững".

Nhóm PV