Các chuyên gia khí tượng Mỹ kiệt sức khi vừa phải theo dõi diễn biến bão Milton, vừa phải đối phó tin giả tràn lan trên các mạng xã hội.

Milton, được mô tả là "cơn bão mạnh nhất thế kỷ", tối 9/10 đổ bộ bang Florida, miền nam Mỹ, gây mưa lớn và gió mạnh ở khu vực vịnh Tampa. Nước biển dâng cao trong khu vực, đe dọa tính mạng người dân, trong khi nhiều hộ gia đình mất điện.

Sức mạnh của Milton khiến giới chuyên gia khí tượng Mỹ những ngày qua phải thức đêm liên tục để truyền tải các thông tin quan trọng đến người dân. Tuy nhiên, các nhà khí tượng năm nay còn phải dành thời gian đối phó thêm một vấn đề. Đó là sự xuất hiện của hàng loạt tin giả, thuyết âm mưu vô căn cứ trên mạng xã hội.

Nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene thậm chí còn đi xa đến mức cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden "đang điều khiển bão" để chúng hướng vào các khu vực ủng hộ đảng Cộng hòa và ứng viên Donald Trump. Cáo buộc này nhận được sự hưởng ứng của nhiều người theo thuyết âm mưu ở Mỹ.

"Những người lan truyền tin giả, thuyết âm mưu đã đi quá xa, và khiến tôi mất toàn bộ niềm tin vào con người. Có nhiều thông tin xấu đến mức thông tin chính thống bị lu mờ", Matthew Cappucci, nhà khí tượng tại Washington, nói với Rolling Stone. Ông đã làm việc nhiều ngày liên tục để chống đỡ những làn sóng tin giả này và cảm thấy kiệt sức.

Những nhà khí tượng chật vật chống tin giả trong bão Milton  第1张

Bản tin thời tiết cảnh báo về bão Milton tại một quán bar ở Orlando, bang Florida ngày 8/10. Ảnh: AFP

Tình trạng tin giả lan rộng khiến Nhà Trắng ngày 8/10 phải hành động để định hướng thông tin trên Reddit, một nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Mỹ. Tổng thống Joe Biden ngày 9/10 lên tiếng chỉ trích phát ngôn của nghị sĩ Greene là "quá gở và vô lý", đồng thời cho rằng cựu tổng thống Trump "dẫn dắt cuộc công kích bằng những lời dối trá".

Giới chuyên gia kêu gọi người dân Mỹ cẩn thận về nguồn tin khi đọc về các sự kiện thời tiết cực đoan. Họ khuyến nghị tránh xa mạng xã hội và đặt niềm tin vào Trung tâm Bão Quốc gia.

Katie Nickolaou, nhà khí tượng tại thành phố Lansing, bang Michigan, mô tả mạng xã hội đã trở thành môi trường thù địch với giới khoa học. "Sau bão Helene, nhiều người bỗng nhiên trở thành chuyên gia hoặc nhà khí tượng trên mạng", bà nói, nhắc đến cơn bão đổ bộ các bang Florida, Georgia và Bắc Carolina hai tuần trước.

Trên tài khoản Facebook của Nickolaou, một người dùng thậm chí "khuyến nghị giết người để chặn những cơn bão này", bình luận hàm ý nhắc đến thuyết âm mưu chính phủ Mỹ hoặc các nhà khí tượng đang điều khiển bão.

"Sát hại các nhà khí tượng không giúp chặn bão", bà Nickolaou viết trên X. "Không thể tin được là tôi phải viết ra điều này".

Theo Nickolaou, một số thông tin nói rằng "Milton trở thành bão cấp 6" trước khi đổ bộ Florida tiềm ẩn nhiều tác động nguy hiểm, bởi thang phân loại bão ở Mỹ chỉ có 5 cấp. Bà Nickolaou lo ngại người đọc thông tin này sẽ xem thường tác động từ những cơn bão cấp 5 trong tương lai. Nhiều đồng nghiệp của Nickolaou cũng chán nản "trước những trò hề đang diễn ra trên mạng xã hội", điều mà họ chưa từng phải ứng phó.

"Chặn thông tin sai lệch đang trở thành phần việc mệt mỏi, làm lãng phí thời gian dành cho dự báo hoặc gửi đi những thông tin hữu ích", Nickolaou cho biết. Trái tim bà nặng trĩu khi thấy một bài đăng sai sự thật thu hút hàng triệu lượt xem, vì không thể đính chính tất cả.

Những nhà khí tượng chật vật chống tin giả trong bão Milton  第2张

Người đàn ông trèo lên cây bên ngoài khách sạn trú bão ở Tampa đêm 9/10. Ảnh: AP

Nhà khí tượng Cappucci nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trên mạng xã hội trong ba tháng qua. "Chỉ qua một đêm, những thông tin từng bị coi là lố bịch, cực đoan đột nhiên phổ biến và điều này khiến công việc của tôi thêm khó khăn", Cappucci nói.

Theo ông, các nhà khí tượng và chuyên gia ứng phó thiên tai phải cân đối giữa đưa ra thông tin chất lượng cao, hữu ích và dập bỏ thông tin sai. "Giờ đây có nhiều thông tin sai lệch đến mức nếu xử lý chúng, chúng tôi không còn thời gian làm việc khác", Cappucci chia sẻ.

Hòm thư của Cappucci cùng các đồng nghiệp gần đây tràn ngập tin nhắn, trong đó chủ đề được người hỏi quan tâm nhất là cáo buộc chính phủ Mỹ có khả năng kiểm soát thời tiết và điều khiển bão. Thuyết âm mưu này càng có sức ảnh hưởng, khi Mỹ đang trong mùa bầu cử căng thẳng.

"Tôi đã trong nghề 46 năm và chưa gặp tình trạng này bao giờ", James Spann, nhà khí tượng tại bang Alabama, nói. Ngoài thông tin sai lệch, Spann còn nhận những tin nhắn đe dọa như "hãy dừng dối trá về việc chính phủ kiểm soát thời tiết".

Bà Nickolaou nhận thấy có sự liên quan giữa thông tin sai lệch về Milton và tâm lý bài khoa học, vốn xuất hiện từ lâu và gia tăng khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Những hoài nghi, mất niềm tin về cách ứng phó Covid-19 đã lan sang các ngành khác.

"Quan điểm đang lan truyền lúc này là các nhà khoa học không thực sự hiểu họ đang nói về cái gì và họ che giấu điều gì đó", bà Nickolaou nói với Washington Post.

Những nhà khí tượng chật vật chống tin giả trong bão Milton  第3张

Tổng thống Joe Biden phát biểu về bão Milton tại Nhà Trắng ngày 9/10. Ảnh: AFP

Những năm gần đây, mạng xã hội là nền tảng để thông tin sai lệch lan truyền, thường từ các nguồn ẩn danh. Những nền tảng này cho phép người dùng kiếm thu nhập từ bài đăng có tương tác cao, càng tạo điều kiện cho sự bùng nổ những "bẫy tương tác", làm lu mờ thông tin chất lượng.

Sarah DeYoung, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa, Đại học Delaware, cho biết luôn có những thông tin sai lệch xuất hiện sau mỗi thảm họa và trong năm bầu cử như 2024, chúng dường như còn tiềm ẩn động cơ chính trị.

"Điều này nguy hiểm vì nó làm gia tăng sự chia rẽ", theo DeYoung. Theo bà, cáo buộc vô căn cứ mà phe Cộng hòa đưa ra rằng Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) đã chuyển ngân sách ứng phó bão sang các dự án hỗ trợ người nhập cư sẽ khiến nhóm này đối mặt nguy cơ bạo lực hoặc bị công kích. FEMA còn đối mặt hàng loạt thuyết âm mưu và tin đồn khác, khiến cơ quan này phải lập chuyên trang để người dân kiểm chứng thông tin.

Nhà nghiên cứu thông tin sai lệch và biến đổi khí hậu Abbie Richards cho biết khi con người cảm thấy lo sợ, bất lực, không chắc chắn, đó cũng là lúc thông tin sai lệch lan truyền mạnh. Richards lý giải rằng để lấy lại cảm giác làm chủ tình hình, mọi người sẽ tiếp nhận bất cử thông tin nào họ thấy, ngay cả khi sai sự thật.

Bà không chỉ trích việc tiếp cận thông tin qua mạng xã hội, bởi đây vẫn là một nguồn hữu ích để nắm những diễn biến thực tế. Nhưng Richards cho rằng mạng xã hội cần thay đổi.

"Các nền tảng mạng xã hội đang thiếu chuẩn bị và không có công cụ để ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch", bà nói. "Bài học rút ra từ những diễn biến gần đây là họ cần phải đầu tư nghiêm túc cho hoạt động kiểm duyệt nội dung liên quan khí hậu, vì điều này đang gây hại và cản trở các nỗ lực cứu trợ, và có thể gây tổn thương cho mọi người".

Như Tâm (Theo Washington Post, Rolling Stone)