Số vụ tai nạn xảy ra nhiều có một phần do thiết kế cao tốc không làn khẩn cấp, còn trách nhiệm người lái ở đâu?
Tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc đang trở thành mối quan tâm lớn khi số vụ tai nạn và thương vong không ngừng tăng. Các tuyến cao tốc như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm, Trung Lương - Mỹ Thuận, TP HCM - Dầu Giây đều chứng kiến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.
Điểm chung đáng lo ngại là phần lớn những tuyến đường này không có làn khẩn cấp (trừ TP HCM - Long Thành - Dầu Giây).
Ở cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sáng nay 24/9 lại xảy ra tai nạn Ôtô khách tông xe container trên cao tốc, 15 người bị thương. Chưa đầy một tuần trước, hôm 19/9, xe khách từ Phú Yên đi TP HCM đã gặp sự cố động cơ. Do không có làn khẩn cấp, tài xế tấp xe vào bên đường để kiểm tra bị ôtô khách tông từ phía sau làm hai người chết, nhiều nạn nhân bị thương.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài hơn 100 km qua tỉnh Bình Thuận, chính thức thông xe từ tháng 5/2023. Chỉ sau hai tháng hoạt động, tuyến đường này đã xảy ra 5 vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến 5 người thiệt mạng và 12 người bị thương.
Tương tự, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, chỉ dài 49 km nhưng cũng chứng kiến nhiều vụ va chạm chết người. Các tài xế lưu thông trên cao tốc này cho biết, khoảng cách giữa các làn xe khá hẹp, và việc thiếu làn khẩn cấp khiến việc ứng phó khi xảy ra sự cố trở nên vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là vào ban đêm khi tài xế dễ bị mệt mỏi, buồn ngủ.
Trong khi đó, đại diện cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân tai nạn do tài xế xe sau chạy nhanh và thiếu quan sát, dẫn đến việc đâm vào các phương tiện đang dừng khẩn cấp.
Tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tai nạn liên tiếp xảy ra. Ngày 18/2, một vụ va chạm liên hoàn giữa 7 ôtô khiến hai người bị thương, gây ùn tắc nghiêm trọng.
Trước đó, nhiều vụ tông xe trên tuyến cao tốc này cũng khiến giao thông bị gián đoạn và gây thiệt hại về người và của. Một trong những nguyên nhân chính, được nhiều người viện dẫn là do thiếu làn khẩn cấp, khiến việc giải quyết tình huống khẩn cấp trở nên khó khăn.
Vậy cao tốc có làn khẩn cấp thì thế nào? Đó là tuyến TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuyến đường này đi qua địa phận TP HCM và Đồng Nai, dài 55 km, đã chứng kiến hàng chục vụ tai nạn và cháy xe từ khi được thông xe vào năm 2015. Việc thiếu làn khẩn cấp xuyên suốt cùng với lưu lượng xe ngày càng gia tăng là lý do khiến tuyến đường này đang được đề xuất mở rộng từ 4 làn lên 8 làn.
Ai cũng biết, làn khẩn cấp trên cao tốc không chỉ là nơi xe dừng lại khi gặp sự cố mà còn là vùng đệm quan trọng giúp giảm thiểu tai nạn liên quan đến va chạm liên hoàn hoặc mất lái.
Tuy nhiên, tại nhiều cao tốc ở Việt Nam như Vĩnh Hảo - Phan Thiết hay Trung Lương - Mỹ Thuận thiếu đi làn khẩn cấp vì eo hẹp kinh phí. Điều này đã khiến nhiều xe gặp sự cố phải dừng trên phần đường chính, làm gia tăng nguy cơ tai nạn cho các phương tiện khác.
Nhưng, theo những con số mà tôi vừa thống kê, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn sâu hơn vào bối cảnh. Đúng là chúng phản ánh sự thiếu an toàn của cơ sở hạ tầng giao thông, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất. Phương tiện gặp tai nạn chủ yếu vẫn là xe khách.
Có lẽ ai cũng thấy ớn khi tần suất cao tốc không làn khẩn cấp xảy ra tai nạn nhiều. Nhưng theo tôi, con số này đang nói dối, nói văn hoa hơn là chỉ đang nói lên một nửa sự thật. Bởi vì cao tốc có làn đường khẩn cấp vẫn xảy ra tai nạn đó thôi.
Yếu tố con người, như sự chủ quan của tài xế, chạy quá tốc độ hoặc thiếu tập trung khi lái xe cũng góp phần không nhỏ.
Cuối cùng, những con số này không chỉ nói lên bất cập của cao tốc, mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của ý thức giao thông và cần phải gấp rút cải thiện hệ thống hạ tầng.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Hoàng Minh
Đăng thảo luận