Theo đại diện Bộ TT&TT, Hiệp định đồng sản xuất phát thanh truyền hình Việt Nam – Hàn Quốc sẽ là nền tảng quan trọng để xúc tiến hợp tác giữa hai nước.
Ngày 12/9, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc tổ chức hội thảo về triển khai Hiệp định đồng sản xuất chương trình phát thanh truyền hình (PTTH) Việt Nam – Hàn Quốc. Các đài PTTH trung ương, địa phương cùng một số đài PTTH Hàn Quốc đã tham gia sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Việt Nam và Hàn Quốc ký Hiệp định đồng sản xuất PTTH vào năm 2019 với mục tiêu mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình trong bối cảnh hợp tác giao lưu văn hoá – kinh tế giữa các bên, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia của Việt Nam và Hàn Quốc, tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân hai nước.
Tại hội thảo, các vấn đề liên quan đến chiến lược, kỹ thuật và mô hình hợp tác trong sản xuất các chương trình PTTH đã được đại diện các đài PTTH và cơ quan liên quan của Việt Nam và Hàn Quốc đưa ra thảo luận.
Ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Du Lam45 đài PTTH Việt Nam có chiến lược chuyển đổi số
Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: Bộ TT&TT đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là báo chí, truyền thông. Hiện tại, khoảng 45 đài PTTH Việt Nam đã ban hành chiến lược chuyển đổi số, khoảng 41 đài bố trí nhân sự riêng để phát triển nội dung số/làm công tác chuyển đổi số và khoảng 30 đài triển khai hạ tầng số riêng, xây dựng ứng dụng, nền tảng, khoảng 15 đài ứng dụng AI trong sản xuất chương trình.
Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số báo chí sẽ giúp các đài có bước chuyển mình mạnh mẽ. Việc tăng cường truyền thông trên mạng xã hội được xem là nội dung sống còn, bắt buộc trong thời gian phát triển tiếp theo của các đài. Từ phát triển tốt nội dung và đưa nội dung lên nền tảng số, tiến tới mô hình kinh doanh trên môi trường số, từng bước làm chủ các nền tảng.
AI là một trong những công nghệ then chốt trong công cuộc chuyển đổi số. Việc sử dụng AI trong phát triển nội dung, tiếp cận sản xuất, chuyên môn và quản trị tòa soạn là nội dung mà nhiều cơ quan báo chí mong muốn được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các đài PTTH địa phương thừa nhận vẫn còn thiếu và yếu về nhân lực sản xuất nội dung, mong muốn Bộ TT&TT làm cầu nối để được hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề chuyên môn và học cách sử dụng các công nghệ và kỹ thuật mới. Các đài cũng phản ánh, để sản xuất một chương trình hay, việc mua bản quyền và đầu tư rất tốn kém, do đó, việc hỗ trợ kinh phí hoặc tiếp cận công nghệ mới vô cùng cần thiết.
Nhiều không gian để đồng sản xuất nội dung giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Ông Hong Jong Bae, Giám đốc Cục Phát thanh truyền hình, Cơ quan truyền thông Hàn Quốc (KCA), đã chia sẻ các quy định và luật liên quan đến lĩnh vực PTTH của nước này. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra 6 chiến lược về PTTH và hơn 100 nhiệm vụ cụ thể để hiện thực hóa. Trong đó, AI được ứng dụng rộng rãi vào hoạt động sản xuất nội dung trong tất cả các khâu, từ lên kế hoạch, sản xuất đến tiếp thị, phân phối.
Chẳng hạn, AI có thể phân tích nhu cầu, thói quen xem TV của khán giả để đưa ra video quảng cáo tự động và phù hợp với thị hiếu. Công nghệ này cũng tạo phụ đề, dịch hay xử lý ngôn ngữ hoàn toàn tự động.
Paradise Island (Đảo thiên đường) - một trong các chương trình giải trí do đài JTBC (Hàn Quốc) và VTV hợp tác sản xuất. Ảnh: Du LamBên cạnh AI, hàng loạt công nghệ mới đang được áp dụng trong sản xuất các chương trình PTTH và phim ảnh, nổi bật là Xtended Reality (XR – thực tế mở rộng).
Theo ông Kim Seung Jun, Giám sát kỹ thuật đài KBS, Xtended Reality giúp mở rộng không gian studio, kết hợp hài hòa với các công nghệ như đồ họa, hệ thống ánh sáng để thay đổi bối cảnh liên tục, mang đến cảm nhận khác biệt cho từng chủ đề.
Tuy nhiên, việc thiết lập trường quay Xtended Reality đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ thiết bị như màn LED, hệ thống đèn trần, sàn cho đến tương tác của nhân vật và đội ngũ kỹ thuật (chuyên gia đa phương tiện, phần mềm, đồ họa 3D, bảo trì hệ thống...) am hiểu kiến thức.
Một công nghệ khác đang được Hàn Quốc chú trọng là tái dựng bối cảnh lịch sử và di sản văn hóa thông qua 3D. Các công ty đang nỗ lực xây dựng thư viện Korea Original Asset sử dụng dữ liệu quét 3D chi tiết để dùng trong sản xuất phim truyền hình và chương trình khác.
Liên quan đến hợp tác giữa các đài PTTH Việt Nam và Hàn Quốc, đại diện đài JTBC cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là đưa ra nội dung mới dựa trên hiểu biết sâu sắc về nhu cầu thị trường.
Khi hợp tác với nhau, các bên sẽ phát triển được thế mạnh của mình, từ đó mở rộng thể loại và địa bàn phân phối. JTBC mong muốn được tiếp tục hợp tác trong các dự án chung với các đài PTTH Việt Nam và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thái Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh, Đài PTTH Hà Nội, nhận xét Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều không gian để hợp tác sản xuất chương trình. Bà khẳng định không có lý do gì để các đài địa phương không phát huy hợp tác, từ phim ảnh, talk show dựa trên chất liệu văn hóa của mỗi quốc gia đến tin tức, phóng sự cho các sự kiện quốc tế.
Đánh giá cao các tham luận và ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ TT&TT, cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các đài và làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra đề xuất cụ thể. Trong thời gian chờ đợi, các đài nên có đề án cụ thể liên quan đến kinh phí, kỹ thuật và tận dụng nguồn lực địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT mong muốn Hiệp định đồng sản xuất chương trình PTTH sẽ là nền tảng quan trọng để xúc tiến hợp tác giữa hai nước.
Đăng thảo luận