Moscow sẽ đáp trả tương tự đối với việc phương Tây sử dụng thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga.
Ảnh minh họa
Mỹ và các đồng minh đã chặn khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc về Ngân hàng trung ương Nga kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào tháng 2/2022. Phần lớn số tiền này - khoảng 197 tỷ Euro (213 tỷ USD) - đang được giữ tại trung tâm thanh toán Euroclear có trụ sở tại Brussels, Bỉ. Hôm 23/10, Washington đã công bố quyết định sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để trả khoản vay hàng tỷ USD cho Ukraine.
"Nếu các nước phương Tây bắt đầu sử dụng thu nhập từ dự trữ bị đóng băng của Nga, chúng tôi sẽ thực hiện chính xác như vậy" - Bộ trưởng Siluanov nói với các phóng viên vào ngày 24/10 - "Chúng tôi đã đóng băng tiền từ các công ty và tổ chức "không thân thiện". Chúng tôi giữ số tiền này trong tài khoản của mình theo cùng phương cách và sẽ sử dụng thu nhập từ các tài sản này theo cách tương tự".
Thu nhập từ các khoản này sẽ được phân bổ cho "nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của các thực thể cấu thành Liên bang Nga" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga nói thêm, lưu ý rằng các quyết định tương ứng đã được đưa ra.
Ngày 23/10, Mỹ thông tin rằng Washington sẽ cung cấp cho Kiev khoản vay 20 tỷ USD như một phần của gói viện trợ từ Nhóm G7 trị giá 50 tỷ USD. Việc sử dụng lợi nhuận bất ngờ từ các tài sản bị phong tỏa của Nga sẽ hỗ trợ cho Ukraine "mà không gây gánh nặng cho người nộp thuế" - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố.
Một ngày trước đó, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ việc phân bổ khoản vay lên tới 35 tỷ Euro (38 tỷ USD) cho Ukraine bằng cách sử dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp để trả nợ. Theo Euroclear, các quỹ bị đóng băng đã tạo ra 3,4 tỷ Euro (3,6 tỷ USD) tiền lãi tính đến giữa tháng 7.
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của nước này tương tự với hành vi "trộm cắp", vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các loại tiền dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã nêu lên mối lo ngại rằng những hành động như vậy có thể làm suy yếu lòng tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
Bộ trưởng Siluanov trước đó đã cảnh báo rằng các bên tham gia toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ câu chuyện liên quan đến tài sản của Nga và đang tự rút ra nhận định của riêng họ.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga không nêu chi tiết về số lượng tài sản của phương Tây hiện đang bị nắm giữ tại Nga, nhưng các tính toán trước đây của hãng thông tấn RIA Novosti đã đưa ra con số gần bằng quy mô các quỹ của Nga bị đóng băng ở nước ngoài. Hãng thông tấn này đưa tin rằng tổng số tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Nga của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ lên tới 288 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
(Theo VTV)
Đăng thảo luận