Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến những ngày sát Tết của chị Liên ở đất Anh không quá bận rộn như mọi khi, nhưng là dịp để cả nhà đoàn tụ và cùng nhau chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng trên đất Anh.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第1张

Một góc ấm cúng tràn ngập hương vị Tết Việt trong ngôi nhà của chị Liên. (Ảnh: Minh Trí)

Đã 2 năm rồi chị Liên không về Việt Nam thăm gia đình và đã nhiều năm chị không được đón giao thừa cùng bố mẹ. Chị Liên sang Anh sinh sống và làm việc đã 7 năm tại một tiệm nail ở một thị trấn nhỏ thuộc xứ Wales, vương quốc Anh.

Chị sống cùng gia đình của cô chú vốn ở Wales được 17 năm. Bố mẹ chị dự định cuối năm ngoái sang thăm hai vợ chồng chị Liên và cháu bé mới sinh được vài tháng nhưng vì dịch Covid-19 nên đành hoãn lại. Gia đình và họ hàng của chị Liên hiện sinh sống ở Hưng Yên. Khi nghe tin dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam và đã có ca nhiễm tại Hưng Yên, chị Liên vô cùng lo lắng, ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm. Nỗi nhớ gia đình của chị càng da diết mỗi khi nghe những bài ca ngày Tết quê hương.

Chị Liên cho biết, mọi năm ngày 30 Tết, gia đình chị vẫn tất bật ở tiệm nail từ sáng tới chiều nên mâm cỗ giao thừa thường khá đơn sơ và đều đặt mua online các món ăn làm sẵn. Năm nay, do dịch bệnh, tất cả các tiệm nail ở Anh đều phải đóng cửa từ nhiều tháng qua, thành ra ngày Tết, cả nhà lại có thời gian quây quần và tự tay nấu ăn, chuẩn bị các món ăn truyền thống của quê hương.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第2张

Chị Liên rửa lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng. (Ảnh: Minh Trí)

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第3张Gói bánh chưng ngày 29 Tết. (Ảnh: Minh Trí)

 Người Việt ở gần khu vực nhà chị Liên cũng không có nhiều và đa phần đều làm ở các tiệm nail. Khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống của những người Việt nơi đây đều rơi vào khó khăn. Lần đầu tiên có lệnh phong tỏa ở Wales, tiệm nail của chị được chính phủ trợ cấp 10.000 Bảng Anh, lần thứ 2 và lần thứ 3 mỗi lần là 3.000 Bảng. Mỗi người lao động đi làm tại Wales có khai báo thuế cũng được trợ cấp 80% lương trong thời gian dịch bệnh. Ở Wales, từ thời điểm phong tỏa, một số chị em ở Wales cũng tranh thủ ở nhà nấu đồ Việt và bán online để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Mặc dù có trợ cấp của chính phủ nhưng mọi người đều không được dư giả. Chị Liên chia sẻ, người Việt ở Anh cũng có nhiều hoàn cảnh đáng thương. Một số người không có giấy tờ, phải sống và làm việc rất khó khăn, nên đến Tết cũng không mong đợi gì một đêm giao thừa đông đủ và ấm cúng. Cô đơn, vất vả và nỗi nhớ quê hương lại khiến họ càng chạnh lòng hơn nữa.

Tuy nhiên, không vì dịch bệnh mà mâm cỗ giao thừa ở xứ Wales lại không được tươm tất. Ngược lại, vì có thời gian chuẩn bị và cả nỗi niềm, tình cảm mà không khí ngày Tết ở nơi xa xôi này, dịp cúng tất niên, Giao thừa lại trở nên đầm ấm hơn mọi năm. Chị Liên cũng nhờ người ở Việt Nam gửi sang cả máy làm giò để tự tay làm những cây giò mang đậm hương vị quê hương.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第4张

Mâm cỗ giao thừa của người Việt tại Wales. (Ảnh: Quốc Dũng)

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第5张

Mâm cỗ giao thừa của người Việt tại Wales. (Ảnh: Quốc Dũng)

Một phần không thể thiếu trong ngày Tết đó là hoa mai, hoa đào. Bao nhiêu nỗi nhớ nhung cùng với niềm vui hân hoan ngày Tết được gửi cả vào những cành đào, cành mai bằng giấy. Các bà mẹ ở Wales chỉ nhau cách làm hoa đào, hoa mai bằng những cành cây khô và những mảnh giấy màu vàng, đỏ.

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第6张Chị Vy, một người bạn của chị Liên ở Đức cũng tranh thủ làm cành mai và chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngày 30. Những cành đào cành mai có sự góp công của bé Sophia, con gái chị Vy. (Ảnh: Vy Do)Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第7张

Một cành mai làm bằng giấy. (Ảnh: Quốc Dũng)

Mâm cỗ giao thừa của gia đình Việt ở xứ Wales  第8张Các bạn nhỏ cũng được mặc áo dài ngày Tết. (Ảnh: Quốc Dũng)

Ngày sang London, tôi gặp một chú lái taxi là người Việt. Chú đã ngoài 60 nhưng phải sống một mình ở Anh. Chú kể rằng đã rất nhiều năm chú không về Việt Nam vì không đủ tiền mua vé máy bay. Tết đến rồi, tôi lại nhớ đến chú, không biết là chú ăn Tết như thế nào và với sức khỏe và công việc của chú, liệu khi nào chú mới có thể về thăm gia đình. Những người con Việt Nam, dù mưu sinh ở nơi đâu trên trái đất này, đến ngày Tết đều một lòng hướng về đất mẹ. Ở những nơi đó có những giọt mồ hôi và nước mắt rơi trên xứ người và những trái tim đau đáu ngày trở về.

Một năm mới nữa lại đến, chúc cho những người con Việt Nam nơi đất khách quê người luôn rắn rỏi, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và một ngày không xa sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều kiều bào, học sinh, sinh viên khắp thế giới không thể về quê hương đón Tết Tân Sửu. Báo Dân trí mong muốn nhận được các thông tin, hình ảnh của kiều bào khắp thế giới chia sẻ về không khí mừng Xuân mới. Mọi thông tin xin gửi về [email protected]. Trân trọng cảm ơn!