Tỉ giá đã giảm hơn kỳ vọng do đồng USD suy yếu, lộ trình nâng hạng tích cực, Fed sắp hạ lãi suất... Dù vậy, khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thanh khoản thị trường chứng khoán gần đây thấp, tâm lý giao dịch uể oải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong báo cáo vừa công bố, chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia…
Còn tại thị trường Việt Nam hay Thái Lan, khối này nối dài đà bán ròng. Lũy kế từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 8 năm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 85.000 tỉ đồng chứng khoán Việt Nam.
Chưa thể kỳ vọng khối ngoại mua ròng trở lại ngay
Kể từ khi Fed tuyên bố thời điểm cắt giảm lãi suất đã đến, đồng USD suy yếu rõ rệt. Trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá USD/VND giảm về còn 24.050 - 24.420 đồng (mua và bán), chỉ còn tăng hơn 1% so với đầu năm so với mức đỉnh hồi tháng 4 và 5, lên tới 5%.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán đăng tải dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung giải pháp mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, dự thảo thông tư này đã được trình Bộ Tài chính, nhiều khả năng sẽ được ký ban hành trong tuần tới. Nhiều điểm mới được lấy ý kiến từ các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư nước ngoài... nhằm tháo gỡ nút thắt rất lớn thời gian qua.
Song, dù tỉ giá hay tiến trình nâng hạng diễn ra khá tích cực vẫn chưa thể kéo dòng vốn ngoại trở lại với chứng khoán Việt Nam.
Khối ngoại đã mua ròng trên nhiều thị trường ở ASEAN nói riêng và khu vực châu Á nói chung - Nguồn: VDSC
Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc phân tích Chứng khoán MB (MBS), cho biết tỉ giá tăng gây sức ép lên các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu danh mục trên thị trường.
Theo đó, khi hiện thực hóa lợi nhuận hoặc kết quả đầu tư nói chung chuyển sang USD sẽ bị "thiệt" đáng kể khi cộng thêm mức tăng của tỉ giá. Do vậy khi tỉ giá giảm, áp lực này cũng "nhẹ" bớt.
Tuy nhiên bà Hiền lại cho rằng vẫn chưa có nhiều kỳ vọng về dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại vào Việt Nam tốt hơn, kể cả khi Fed chính thức hạ lãi suất.
Thay vào đó, chỉ kỳ vọng đà bán tháo giảm bớt. Một trong những nguyên do khiến gần đây khối ngoại vẫn bán ròng và thanh khoản chứng khoán thấp là vì chúng ta chưa có những sản phẩm thu hút.
Bà Hiền dẫn chứng, nhà đầu tư nước ngoài ưa thích các cổ phiếu như công nghệ song Việt Nam lại khá vắng bóng. Nhìn rộng ra các ngành khác, số lượng hàng hóa mới, doanh nghiệp niêm yết mới cũng vắng bóng. Các nhà đầu tư sẽ đi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các thị trường khác trong khu vực như Malaysia hay Indonesia…
Nhiều thị trường chứng khoán thế giới liên tục lập đỉnh lịch sử
Tại talkshow "Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?" do báo Người Lao Động tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng khoa tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết từ giai đoạn sau COVID-19 đến nay, khối ngoại bắt đầu bán ròng và năm nay tần suất mạnh hơn.
Theo chuyên gia, khối ngoại bán ròng không hẳn do kinh tế vĩ mô xấu, bởi thực tế thu hút vốn FDI của Việt Nam vẫn rất lớn. Ông Vũ nghiêng về lý do thị trường thiếu vắng "câu chuyện" đủ hấp dẫn.
Thống kê từ năm 2019 đến nay, bình quân VN-Index chỉ tăng khoảng 20%, trong khi nhiều thị trường chứng khoán thế giới như Mỹ liên tục lập đỉnh lịch sử, theo ông Vũ.
Ngoài ra, nhiều thị trường có những câu chuyện hay liên quan chuyển đổi số, chip bán dẫn, công nghệ, trí tuệ nhân tạo… Các nhóm cổ phiếu "hot trend" theo đó cũng tăng vọt nhờ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư.
Tiền đồng bớt mất giá trước USD, 'đại gia' nào sẽ bớt đau đầu vì lỗ tỉ giá?ĐỌC NGAY
Song ông Vũ cũng nhận thấy khối ngoại vốn tỉ trọng giao dịch không quá lớn. Nhà đầu tư cá nhân cũng không còn nhìn dòng tiền khối ngoại để mua bán như trước.
Còn theo quan điểm ông Trương Hiền Phương - giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam, thanh khoản thị trường đang thấp một phần do khối ngoại bán ròng quá quyết liệt. "Khi khối ngoại quay trở lại mua ròng sẽ thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư và giao dịch sẽ cải thiện hơn hiện nay", ông Phương nói.
Ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital, cũng từng nói ngoài việc tăng lãi suất của Mỹ, thị trường Việt Nam không có nhiều yếu tố mới và thú vị để thu hút sự quan tâm nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết tỉ giá giảm nhanh cũng không hẳn thuận lợi với nhiều nhà đầu tư ngoài cầm tiền mặt, vì quy đổi ra giá trị tiền VND bị giảm. Cơ bản, vẫn cần sự "ổn định" tỉ giá.
Đăng thảo luận