Chúng ta không thể cứ ngồi cãi nhau rằng 'tôi làm kế toán, chỉ cần biết dùng Excel là được, cần gì học nhiều Toán, Lý, Hóa'.

"Học sinh học Toán, Lý, Hóa không chỉ để áp dụng vào thực tiễn mà còn để rèn luyện khả năng phân tích tư duy. Có chăng là cải cách làm sao cho cách dạy, cách ra đề gắn với thực tiễn nhiều hơn thôi. Không biết các bạn có thực sự hiểu về giáo dục phương Tây không mà lại đánh giá nước ngoài không xem trọng Toán, Lý Hóa như Việt Nam. Giáo dục không chỉ là sao chép những nước phát triển mà còn là học hỏi sao cho phù hợp với bản thân học sinh và bối cảnh trong nước nữa.

Bản thân tôi đánh giá, những bạn học tốt các môn khoa học (Toán, Lý, Hóa, Sinh) ở trường phổ thông thì khi ra đi làm vẫn có tư duy nhanh nhạy hơn các bạn chỉ học tốt các môn xã hội. Đó là thực tế chứ không phải suy nghĩ phiến diện. Còn kỹ năng mềm nếu ai muốn học cũng sẽ học được nhanh thôi.

Đất nước ta chưa giàu có nên làm ơn đừng chăm chăm đòi giảm áp lực thi cử theo kiểu học ít, bỏ môn này, môn kia. Mấy năm nay, tôi thấy giảm áp lực thi cử giảm tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục. Rồi vô tình, chúng ta lại tạo thêm các áp lực khác cho các em học sinh (cả ngàn loại chứng chỉ, cuộc thi mới được đưa vào xét tuyển đại học). Học mà không áp lực thì học làm gì? Có chăng hãy để áp lực ở mức hợp lý để giáo dục được hiệu quả mà thôi".

Đó là ý kiến của độc giả Triệu Linh Hà phản biện lại quan điểm '12 năm luyện giải Toán không giúp học sinh Việt rèn tư duy'. Trước đó, có nhiều bài chia sẻ về câu chuyện chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Nhiều người đặt dấu hỏi: tại sao học sinh Việt đạt nhiều giải thưởng quốc tế, chương trình học cũng nặng hơn nước ngoài, nhưng sau khi ra trường vẫn bị đánh giá thấp trên thị trường lao động?

Nói về vấn đề này, bạn đọc Newtonlikemusic bình luận: "Những ai nói học Toán là để ứng dụng hoàn toàn vào thực tế thì xem như chưa hiểu hết về giá trị của Toán học. Làm toán còn giúp học sinh phát triển tư duy và luyện khả năng phân tích. Nhất là các bài toán chứng minh hình học, từ hình học phẳng đến không gian, luyện khả năng quan sát.

Vì sao nhiều học sinh ngày nay hạn chế về mặt này? Là do từ khi thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm, các em đã bị hạn chế phần Toán chứng minh và các bài hình thay bằng các bài tính toán theo công thức, từ đó phát sinh việc giải Toán bằng máy tính nhanh để đối phó.

Ngày xưa, để tìm ra đáp số bài Toán, học sinh cần làm rõ từ gốc và hiểu rõ vấn đề mới có thể làm ra được kết quả. Còn việc học và giải Toán bằng máy tính nhanh như ngày nay, nhất là các em học sinh cấp hai, làm cho nhiều em học xong nhưng trong đầu vẫn không hiểu từ đâu ra được đáp số này, dẫn đến hệ lụy càng lên học cao càng không hiểu gì về Toán học. Và các em cũng có thói quen lạm dụng máy tính dẫn đến càng hạn chế về tư duy".

>> Cắm đầu' học giỏi Toán, Lý, Hóa nhưng không biết để làm gì

Cùng chung suy nghĩ, độc giả Teevonguyen phân tích: "Giỏi Toán, Lý, Hóa chính là sự tư duy, dùng để vận động trí não, vận dụng sự linh hoạt đó vào trong thực tế để tạo lợi thế cho bản thân mình. Ngay cả những ng giỏi về lý thuyết nghĩa là họ đọc nhiều và 'mọt sách' thì những kiến thức đó cũng sẽ giúp ích cho họ rất nhiều trong cuộc sống khi làm việc hay đưa ra một quyết định nào đó.

Các bạn nói giỏi Toán, Lý, Hóa cũng ra làm thuê cho người ít học nhưng tư duy, thực tế họ có thể họ ít học nhưng không có nghĩa không có kiến thức. Kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cộng với tư duy trời cho mới giúp họ làm chủ được. Chưa kể, để làm chủ không chỉ cần tư duy mà còn phải có bản lĩnh và biết dùng người.

Tại sao bạn cứ phải đi làm với suy nghĩ đi làm thuê làm mướn cho người khác, mà không nghĩ chúng ta ở đây đang là mối quan hệ win-win? Tôi dùng kiến thức và khả năng của tôi để giúp cho công ty phát triển duy trì thì công ty trả cho tôi mức lương xứng đáng, mỗi tháng cứ thế mà lãnh không phải lo nghĩ về việc điều hành bộ máy, nhân viên, thu chi... Nếu ai cũng đòi làm chủ rồi ai đi làm thuê để các bạn vận hành doanh nghiệp?".

"Bạn không dùng không có nghĩa là Toán, Lý, Hóa vô dụng. Tất cả sự phát triển của khoa học kỹ thuật đều dựa trên các môn tự nhiên. Vậy bạn nghĩ nó có cần không? Còn nếu bạn nói rằng 'tôi chẳng cần học cũng vẫn làm được công việc như bây giờ' thì có lẽ tư duy của bạn chỉ đến vậy.

Mục tiêu ngay từ đầu của các môn học tự nhiên là rèn luyện khả năng suy nghĩ, tư duy, đặt câu hỏi và đồng thời cung cấp các thông tin về thế giới xung quanh. Nó xây dựng cho bạn cách để tự suy nghĩ, học hỏi và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống một cách hiệu quả, có hệ thống hơn, đặc biệt là các vấn đề mang tính vĩ mô. Chúng ta không thể cứ ngồi cãi nhau rằng 'tôi làm kế toán dùng Excel, cần gì học Toán, Lý, Hóa'", bạn đọc taolaphong kết lại.

Việt Thành tổng hợp