Nhiều người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán sau khi mưa lũ tiếp tục tàn phá Trung Âu ngày 15-9, gây lũ lụt tại nhiều nơi trong khu vực.
Căn nhà hư hại nặng nề do nước lũ tại Jesenik, Cộng hòa Czech, ngày 15-9 - Ảnh: REUTERS
Tại Áo, một lính cứu hỏa đã thiệt mạng khi đang tham gia cứu hộ lũ lụt ở bang Hạ Áo. Phó thủ tướng Áo Werner Kogler thông báo trên mạng xã hội X (Twitter) rằng chính quyền đã tuyên bố khu vực này, bao gồm thủ đô Vienna, là vùng thảm họa.
Các con sông tràn bờ từ Ba Lan đến Romania. Tại Romania có bốn người được phát hiện đã thiệt mạng vào ngày 14-9, sau nhiều ngày mưa xối xả do bão Boris gây ra.
Một số khu vực ở Czech và Ba Lan đang phải đối mặt trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong gần ba thập kỷ.
Tại Czech, khoảng 250.000 ngôi nhà đã bị mất điện do gió lớn và mưa to. Cảnh sát cho biết họ đang tìm kiếm ba người có mặt trong một chiếc xe bị rơi xuống sông Staric, gần thị trấn Lipova Lazne, cách thủ đô Praha 235km về phía đông.
Một căn nhà bị ngập khi nước sông Biala Ladecka dâng cao, tràn vào thị trấn Klodzko, Ba Lan ngày 15-9 - Ảnh: REUTERS
Ở Ba Lan, một người đã thiệt mạng tại hạt Klodzko, 1.600 người tại nơi này đã phải sơ tán. Thủ tướng Donald Tusk cho biết đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Tình hình rất nghiêm trọng", Thủ tướng Tusk nói với báo chí ngày 15-9, sau cuộc họp tại thị trấn Klodzko.
Một phần thị trấn đã bị ngập khi mực nước sông địa phương tăng lên 665cm vào sáng cùng ngày, vượt xa mức báo động 240cm, vượt qua kỷ lục từng ghi nhận trong trận lụt lớn năm 1997 vốn gây thiệt hại nặng và khiến 56 người thiệt mạng.
Tại thị trấn Glucholazy, một cây cầu gần biên giới với Czech đã bị sập. Chính quyền đã ra lệnh sơ tán vào sáng 15-9 khi con sông địa phương bắt đầu tràn bờ, và thị trấn bị mất điện hoàn toàn.
Những ngôi nhà và cánh đồng ngập nước ở đông nam Romania, nơi bốn người đã thiệt mạng do lũ lụt do bão Boris gây ra - Nguồn: AFP
Lính cứu hỏa và binh sĩ đã làm việc suốt từ ngày hôm trước để bảo vệ cơ sở hạ tầng của thị trấn, nhưng vẫn không ngăn được cây cầu bị sập.
Cảnh sát địa phương thông báo sẽ dùng trực thăng để giải cứu những người dân bị mắc kẹt trong các ngôi nhà ngập nước.
Người dân ở bên kia biên giới tại Czech cũng nhận định tình hình lần này tồi tệ hơn so với các trận lũ trước đó.
"Những gì bạn thấy ở đây còn tồi tệ hơn so với trận lụt năm 1997, và tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi ngôi nhà của mình đã chìm trong nước. Tôi không biết liệu tôi có thể quay lại đó hay không", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Pavel Bily, một cư dân của thị trấn Lipova Lazne, chia sẻ.
Lực lượng cứu hỏa trong khu vực cho biết đã sơ tán 1.900 người tính đến sáng 15-9. Nhiều con đường trong khu vực không thể đi lại được.
Nước lũ cuồn cuộn tại Lipova Lazne của Cộng hòa Czech ngày 15-9 - Ảnh: REUTERS
Tại thủ đô Budapest của Hungary, các quan chức đã nâng mức dự báo mực nước sông Danube từ giữa tuần, có thể vượt qua mức 8,5m, gần với kỷ lục 8,91m đã được ghi nhận vào năm 2013.
"Dự báo cho thấy một trong những trận lũ lớn nhất trong những năm gần đây đang tiến gần đến Budapest, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng để ứng phó", thị trưởng Budapest Gergely Karacsony tuyên bố.
Người dân cứu hộ, kéo một người đàn ông ra khỏi dòng nước lũ ở Slobozia Conachi, Romania ngày 14-9 - Ảnh: REUTERS
Đăng thảo luận