Trung tướng Lê Văn Tuyến (thứ trưởng Bộ Công an) nêu hình ảnh trong bão Yagi khi người dân đi sơ tán thì lực lượng công an vẫn xung kích, đi vào tuyến đầu với tinh thần “đâu cần công an có, đâu khó có công an”.
Trung tướng Lê Văn Tuyến (thứ trưởng Bộ Công an) phát biểu tại hội nghị - Ảnh: HỒNG QUANG
Một cán bộ trại giam ở Quảng Ninh hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, 2 cán bộ công an tử vong do mưa lũ, cùng nhiều cán bộ khác quên mình vì nhân dân. Đó là những tấm gương điển hình của lực lượng công an được trung tướng Lê Văn Tuyến (thứ trưởng Bộ Công an) nêu tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
"Không có báo cáo nào có thể nêu hết những khó khăn gian khổ, vất vả của cán bộ, chiến sĩ. Có những cán bộ chiến sĩ ở Lào Cai cả tuần mưa dầm, quần áo, đồ ăn thiếu thốn nhưng vẫn bám trụ để khắc phục hậu quả, cứu dân", ông nêu.
"Mỗi khi chuông điện thoại reo, tôi lại bồn chồn, lo lắng"
Trình bày tham luận tại hội nghị, đại tá Cao Minh Huyền (giám đốc Công an tỉnh Lào Cai) nói 5 ngày đêm ròng rã chống bão (từ ngày 8 đến 13-9) là những ngày ông không thể quên.
"Nhìn trời mưa, mỗi khi chuông điện thoại reo, tôi và các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh thật sự bồn chồn, lo lắng. Lo nhất là ở địa bàn nào đó xảy ra thiên tai, ảnh hưởng đến tính mạng người dân", ông Huyền nói.
Qua đợt mưa lũ, Công an tỉnh Lào Cai ghi nhận có đến hơn 10.000 điểm sạt lở trên toàn tỉnh; 9 địa phương cấp huyện gần như bị cô lập. Có nhiều xã bị cô lập hằng tuần, không thể tiếp cận.
Đại tá Cao Minh Huyền (giám đốc Công an tỉnh Lào Cai) nói về "những ngày không thể quên" - Ảnh: HỒNG QUANG
Nêu kinh nghiệm về công tác ứng phó, giám đốc Công an tỉnh Lào Cai cho biết ông đã trực tiếp báo cáo, đề xuất bí thư Tỉnh ủy Lào Cai để vận động, huy động các lực lượng vào cuộc với nhân dân, đặc biệt là công an xã, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở làm nòng cốt.
Trước khi bão đổ bộ, Công an tỉnh Lào Cai cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa bàn. Ông Huyền nói có ngày ban hành tới 20-30 văn bản, hướng dẫn rõ cách làm, theo hướng chỉ rõ việc, tuyệt đối không chủ quan.
"Phương châm là làm văn bản sao cho cán bộ đọc qua là biết cách làm", ông cho biết.
Nêu thực trạng về hạ tầng bị chia cắt sau mưa lũ, ông Huyền đề xuất ngành chức năng cần nghiên cứu, thay đổi tư duy về thiết kế công trình giao thông sao cho đảm bảo an toàn với đặc thù địa hình đồi núi.
Trong khi đó, để miêu tả về sức tàn phá của bão Yagi, đại tá Nguyễn Thuận (phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết thành phố Hạ Long đang trên đà phát triển và xinh đẹp bên bờ vịnh di sản. Nhưng chỉ sau 24 giờ bão đổ bộ, nơi đây trở lại hình ảnh thị xã Hòn Gai cách đây 30 năm.
Đến nay, ông Thuận đánh giá tình hình, an ninh trật tự, an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững, kinh tế - xã hội đang nhanh chóng được hồi phục.
"Kinh nghiệm của chúng tôi là cảnh sát giao thông đi trước, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đi sau. Phát hiện chỗ nào úng ngập, đổ cây, người dân bị cô lập phải khắc phục ngay", ông Thuận nêu.
Bão số 3 ảnh hưởng 26 địa phương, tác động khoảng 40% dân số Việt Nam
Phát biểu kết luận hội nghị, trung tướng Lê Văn Tuyến (thứ trưởng Bộ Công an) cho biết theo thống kê mới nhất, bão Yagi ảnh hưởng tới 26 địa phương, tác động khoảng 40% dân số Việt Nam. Cơn bão lịch sử đã gây thiệt hại trên 40.000 tỉ đồng, kéo giảm 0,15% tốc độ tăng trường GDP - trực tiếp ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước.
"Lực lượng công an đã đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh, không để xảy ra tình trạng lạm dụng mưa bão, lũ lụt, thiệt hại để vi phạm pháp luật" - ông Tuyến nói, đồng thời nêu lại hình ảnh trong bão, nhân dân đi sơ tán nhưng lực lượng công an vẫn xung kích vào tuyến đầu, điểm nóng.
Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng - Ảnh: HỒNG QUANG
Theo thống kê, Bộ Công an đã huy động 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; trên 45.000 thiết bị phòng chống khắc phục hậu quả sau bão. Qua đó hàng nghìn người được sơ tán, cứu nạn, hàng trăm nạn nhân mất tích được tìm thấy.
Lãnh đạo Bộ Công an đồng thời yêu cầu rà soát các trang thiết bị, phương tiện, đảm bảo khi xảy ra sự cố, tình huống phải vừa có lực lượng, vừa có trang thiết bị phục vụ. Đồng thời phát huy phương châm "4 tại chỗ" của lực lượng công an cơ sở...
Đăng thảo luận