Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức 3 hội nghị tập huấn kiến thức về công tác phát triển bền vững "Kế hoạch hành động triển khai thực hiện phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030" năm 2024.
Quang cảnh hội nghị.
Theo đó, có 150 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lai Vung tham gia các hội nghị tập huấn.
Tại các buổi tập huấn, bà Hồ Thị Thoàn - giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ báo cáo chuyên đề về phát triển bền vững và những giải pháp giảm dấu chân carbon trong sản xuất nông nghiệp.
Bà Hồ Thị Thoàn - giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ hướng dẫn nhân nuôi vi sinh vật để ủ phụ phẩm cây trồng.
Theo bà Thoàn, dấu chân carbon (CO2, CH4, NO2 và F) là lượng khí nhà kính được tạo ra từ quá trình sản xuất, sử dụng các sản phẩm công nghiệp hoặc dịch vụ của con người.
Những loại khí nói trên có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và giữ nhiệt trong khí quyển, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn với tỷ lệ đóng góp 35,8% trong tổng phát thải khí nhà kính toàn quốc chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.
Ông Nguyễn Minh Thành - Chuyên viên Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu về Nền tảng số Nông dân Việt Nam.
Để giảm phát thải khí nhà kính, người dân các địa phương cần giảm thiểu khai thác nước, tái sử dụng nước, canh tác hữu cơ, tuần hoàn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp như lên men thức ăn, ủ phân bằng chế phẩm vi sinh, xử lý phụ phẩm nông nghiệp để làm đầu vào cho hoạt động khác,...
Riêng đối với cây lúa, hạn chế sử dụng nước, thu gom rơm và đưa ra khỏi đồng ruộng, xử lý gốc rạ sau khi thu hoạch, hạn chế sử dụng phân hóa học, ưu tiên bón phân hữu cơ.
Bà Thoàn còn hướng dẫn hội viên nông dân trực tiếp thực hành kỹ thuật nhân nuôi vi sinh vật để ủ phụ phẩm cây trồng tạo thành phân hữu cơ.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Thành - Chuyên viên Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giới thiệu và hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng các tiện ích, dịch vụ của nền tảng số Nông dân Việt Nam.
Đăng thảo luận