Theo tin từ gia đình, học giả Nguyễn Đình Đầu đã qua đời lúc hơn 12h ngày 20-9, thượng thượng thọ 104 tuổi.

Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời ở tuổi 104  第1张

Học giả Nguyễn Đình Đầu - Ảnh: TỰ TRUNG

Học giả Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12-3-1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội.

Ông là nhà nghiên cứu nổi tiếng với những công trình giá trị về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Nguyễn Đình Đầu: Cả một đời miệt mài nghiên cứu

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, năm 1941 ông Nguyễn Đình Đầu tốt nghiệp Trường Bách Nghệ (Hà Nội).

Ông làm trưởng một xưởng công nghệ. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi Chính phủ lâm thời thành lập, ông được chỉ định làm bí thư mảng kinh tế cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà.

Năm 1951, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953.

Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời, thượng thượng thọ 104 tuổi

Trong thời gian ở Pháp, ông cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh.

TIN LIÊN QUAN
  • Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời ở tuổi 104  第2张

    Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 3: Cụ Nguyễn Đình Đầu, từ đam mê nhỏ đến hoài bão lớn

Năm 1954, ông Nguyễn Đình Đầu cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự Hiệp định Genève. 

Đầu năm 1955 ông về nước làm giáo sư sử địa tại Trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (Trường Bùi Thị Xuân ngày nay).

Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền Nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó ông cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình.

Năm 1975, ông được phó tổng thống đặc trách hòa đàm Nguyễn Văn Huyền cử đến trại Davis để điều đình ngưng chiến.

Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời ở tuổi 104  第3张

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuộc trò chuyện Trăm năm sử Việt tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đau đáu với những vấn đề của dân tộc

Theo tác giả Trần Ngọc Sinh, khi ở tuổi ngoài 100, học giả Nguyễn Đình Đầu vẫn thường xuyên nghiên cứu, lướt web, sử dụng iPad và Macbook thuần thục.

Ông đã có hàng ngàn bài báo và vài chục đầu sách đã được xuất bản, đề tài đa dạng từ lịch sử, địa lý cho đến văn hóa, xã hội.

TIN LIÊN QUAN
  • Học giả Nguyễn Đình Đầu qua đời ở tuổi 104  第4张

    Những cuộc đời trường thọ yên vui - Kỳ 4: Tuổi thơ đến 104 tuổi của cụ Nguyễn Đình Đầu

Trong đó nổi bật có bộ sách Địa bạ Việt Nam thời nhà Nguyễn được xem là công trình nghiên cứu có một không hai, những nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông...

Bên cạnh công tác nghiên cứu thì một trong những vấn đề xã hội được học giả Nguyễn Đình Đầu quan tâm trong suốt cuộc đời làm khoa học là vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

Ông chia sẻ với tác giả Trần Ngọc Sinh rằng mấy chục năm cuộc đời ông luôn có xu hướng làm người công dân tốt nhưng cũng phải là người yêu nước, cho nên ông đã sẵn sàng đi theo các đoàn thể tranh đấu cho Việt Nam độc lập.

Các tác phẩm viết riêng về một chủ đề như Việt Nam quốc hiệu & cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa; Địa bạ Việt Nam thời nhà Nguyễn; Con đường gốm sứ và tơ lụa Việt Nam trên Biển Đông... của học giả Nguyễn Đình Đầu được ví như thân cây lớn. Trong khi đó, những bài báo của ông hơn 50 năm nay có thể được ví như các nhánh nhỏ tạo nên tán lá sum suê.

Những mạch sống liên thông của đại thụ đã không ngừng mang đến những điều tinh hoa cho đời sống này.

Đó là lượng kiến thức đồ sộ về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội... được ông trình bày bằng ngôn ngữ cô đọng, dễ đọc, dễ hiểu.

Các bài viết ấy được tập hợp in thành bộ sách Tạp ghi Việt sử địa (3 tập) đã được ra mắt bạn đọc, không chỉ ngồn ngộn tri thức mà còn mang chút bóng dáng hồi ký của một người từng đi qua những thăng trầm của đất nước trong trọn một thế kỷ.