Hà Nội44 trường ở huyện Hoài Đức tạm dừng cho học sinh uống sữa trong bữa ăn bán trú, sau khi có phản ánh về chất lượng từ phụ huynh.

Ông Vương Văn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, trưa 26/9 cho biết thông tin trên. Trên địa bàn huyện có 44 (trong tổng 81) trường, với trên 19.000 học sinh, sử dụng cùng loại sữa.

"100% trường nói trên đã dừng từ ngày 25/9, đến khi huyện công khai kết quả kiểm tra về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm với phụ huynh và các nhà trường", ông Lâm nói.

Việc sử dụng tiếp hay không sẽ do nhà trường và ban phụ huynh quyết định.

Theo ông Lâm, các trường trong huyện dùng sữa này từ năm học 2023-2024. Một vài học sinh có triệu chứng đau bụng nhưng qua thăm khám y tế và sổ theo dõi của các nhà trường thì kết luận không rõ nguyên nhân.

Ông cho hay sự việc xuất phát từ thông tin chia sẻ lên mạng xã hội của phụ huynh ở huyện Đan Phượng cuối tuần trước. Sau đó, phụ huynh của huyện Hoài Đức lo lắng đã nhắn tin, gọi điện cho hiệu trưởng để hỏi về sữa con uống ở trường. Ban giám hiệu các nhà trường đã họp với phụ huynh và quyết định tạm dừng.

Trong khi đó, báo cáo của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng hôm 25/9 cũng cho biết có 34 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú, số học sinh sử dụng sữa này là hơn 10.800 em, từ mầm non đến THCS.

Theo báo cáo, không có em nào có biểu hiện ngộ độc thực phẩm từ sữa. Trước phản ánh của phụ huynh, phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu huyện chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, nắm bắt tình hình làm rõ vấn đề.

Một số phụ huynh cho hay trường ở Đan Phượng nơi con họ học thông báo thay thế sang món khác cho trẻ, đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Các động thái trên diễn ra sau khi phụ huynh học sinh ở các trường mầm non và tiểu học tại huyện Đan Phượng, Hoài Đức phản ánh về chất lượng sữa trong bữa ăn phụ của con, khiến một số trẻ bị đau bụng, đi ngoài, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Chị Nguyễn Thị Xuân có hai con cùng học tại trường Mầm non Đan Phượng, cho biết thỉnh thoảng hai đứa con 2 tuổi và 4 tuổi kêu đau bụng khi được đón từ trường về. Một số phụ huynh khác cũng cho biết trong nhóm lớp con bị tiêu chảy, nôn và rối loạn tiêu hóa. Ban đầu chị Xuân nghĩ có thể do virus hoặc thay đổi thời tiết nhưng sau khi thông tin nghi vấn về chất lượng sữa được lan truyền trong các hội nhóm phụ huynh, chị bắt đầu lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Nga có con học ở hai trường Mầm non và Tiểu học Tân Lập B, huyện Đan Phượng, bắt đầu để ý khi các con đi học về nói sữa chua ở trường "nhớt như canh mồng tơi". Nhiều cha mẹ khác cũng phản ánh tương tự khiến trường Tiểu học Tân Lập B phải tổ chức họp khẩn.Theo chị Nga, trong cuộc họp tối 18/9 ở trường, đại diện hãng sữa mời phụ huynh dùng thử sản phẩm sữa tươi và sữa chua của công ty để đánh giá chất lượng sữa tươi và sữa chua.

Hàng loạt trường ở Hoài Đức dừng cho học sinh uống sữa  第1张

Hộp sữa chua phụ huynh chụp lại được trong cuộc họp với nhà trường ở Đan Phượng hôm 18/9. Ảnh chụp màn hình, NVCC.

Theo thông tin trên website, công ty sữa nói trên có trụ sở ở huyện Ba Vì, là nhà sản xuất và cung cấp các loại sữa tươi nguyên chất và các sản phẩm từ sữa như sữa chua trân châu, nếp cẩm, nha đam.., với nguyên liệu từ sữa bò. Thông tin trên web cũng cho biết công ty được cấp giấy chứng nhận GMP (một trong những chứng chỉ quan trọng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) từ ngày 10/9.

Bình Minh