Nghịch lý ở bóng đá Việt Nam
Các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã khởi tranh với các trận đấu hấp dẫn của V-League 2024-2025, trong khi đó Cúp Quốc gia và giải hạng Nhất sẽ tranh tài từ cuối tháng 10. Đến lúc này, các đội bóng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chốt danh sách với Ban Tổ chức giải. Điều đáng chú ý trong thời gian qua là những bản hợp đồng “bom tấn” được kích hoạt tạo sự hứng khởi cho người hâm mộ.
Hoàng Đức chia tay Thể Công Viettel về thi đấu cho Ninh Bình ở giải hạng Nhất 2024-2025. Ảnh: Ngọc TúMở màn là bản hợp đồng của tiền đạo Nguyễn Công Phượng khi chia tay Yokohama FC để đầu quân cho Bình Phước thi đấu tại hạng Nhất 2024-2025. Việc Công Phượng chia tay đội bóng Nhật Bản về nước là điều được dự báo trước khi anh có thời gian dài không được thi đấu.
Bất ngờ đến với người hâm mộ là việc thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm nói lời chia tay Bình Định để khoác áo đội bóng ở giải hạng Nhất. Sau nhiều đồn đoán, Văn Lâm chính thức khoác áo Ninh Bình - đội bóng mới nổi với tiềm lực mạnh và hứa hẹn cạnh tranh sòng phẳng với nhiều đội bóng khác để giành vé thăng hạng ở mùa giải năm nay.
Sau bản hợp đồng với Văn Lâm, Ninh Bình tiếp tục kích hoạt “bom tấn” với đương kim Quả bóng Vàng Việt Nam Nguyễn Hoàng Đức. Cầu thủ 26 tuổi quyết định chia tay sớm với Thể Công Viettel để đầu quân cho Ninh Bình.
Việc Văn Lâm hay Hoàng Đức quyết định xuống thi đấu tại hạng Nhất với mức tiền lót tay, lương và chế độ đãi ngộ cao mang đến hai luồng ý kiến trái chiều. Có những ý kiến cho rằng, điều đó đang cho thấy nghịch lý của bóng đá Việt khi diễn ra ngược với các nền bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới.
Nhìn ra các nền bóng đá phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực, động lực của các cầu thủ là được thi đấu cho đội 1 và giải đấu cao nhất của quốc nội nhưng trường hợp của Hoàng Đức, Văn Lâm và một số cầu thủ khác như: Thanh Bình, Hữu Tuấn, Thanh Thịnh, Quốc Việt lại đi ngược lại.
Ở một chiều ý kiến khác theo hướng tích cực, thương vụ Văn Lâm, Hoàng Đức và một số cầu thủ khác có thể tạo ra bước ngoặt cho thị trường chuyển nhượng V-League. Trong đó, Thể Công Viettel và các đội bóng chủ quản khác là CLB đầu tiên trong lịch sử giải đấu giành được khoản tiền bồi thường lớn khi cầu thủ chỉ còn vài tháng hợp đồng. Rõ ràng, mỗi cầu thủ sẽ có lựa chọn cho riêng mình, đặc biệt khi những cầu thủ ngôi sao được định giá cao và có giao dịch, phần nào đã được gọi là thành công.
Hệ lụy về lâu dài
Việc Văn Lâm và Hoàng Đức xuống hạng Nhất hay ở bất cứ giải đấu nào không ảnh hưởng quá nhiều đến tương lai của tuyển Việt Nam. Hiện tại, Văn Lâm đã 31 tuổi và 26 tuổi là con số của Hoàng Đức, cả 2 không còn là trụ cột của tuyển Việt Nam khi phong độ đi xuống.
Trong khung gỗ tuyển Việt Nam lúc này có Nguyễn Filip “đủ tầm” để đảm nhiệm vị trí số 1 dù may mắn chưa đến với cầu thủ này. Thậm chí Văn Lâm cũng đánh mất niềm tin của HLV Kim Sang-sik cũng như người hâm mộ bằng sai lầm không đáng có trong trận đấu với tuyển Nga.
Trong khi đó, Hoàng Đức từ lâu không còn là ngôi sao và mang tầm quan trọng để thay đổi cục diện trận đấu của tuyển Việt Nam. Đặc biệt, sự sa sút của tuyển Việt Nam kể từ năm cuối cùng với HLV Park Hang-seo đến nay cũng kéo theo những màn thể hiện mờ nhạt của Hoàng Đức.
Những ngôi sao tự chọn bước lùi trong sự nghiệp dẫn tới hệ lụy lâu dài cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Như ĐạtTuy nhiên, hệ lụy thực sự mà những thương vụ của Văn Lâm, Hoàng Đức… gây ra với bóng đá Việt Nam vẫn còn đó khi thời điểm này tuyển Việt Nam đang bị người hâm mộ “quay lưng” càng trở nên gay gắt hơn. Thậm chí, sự phát triển của bóng đá Việt Nam có thể chững lại, chưa nói đến thụt lùi. Hình ảnh của Văn Lâm và Hoàng Đức có thể sẽ khiến các cầu thủ trẻ là tương lai của bóng đá Việt Nam nhìn vào để lựa chọn đi theo hướng này.
Phải khẳng định, giải hạng Nhất là nơi để các cầu thủ trẻ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và ít cạnh tranh hơn V-League. Nếu ví bóng đá là một con sông thì dòng chảy không ngừng lưu thông, vì thế bản thân các cầu thủ phải không ngừng cố gắng, đặc biệt khi sự nghiệp của cầu thủ khá ngắn ngủi. Việc những ngôi sao tự chọn bước lùi trong sự nghiệp có thể dẫn tới hệ lụy lâu dài cho bóng đá Việt Nam.
Cầu thủ nào cũng muốn chọn CLB đang chơi ở giải đấu cao nhất. Thế nhưng, cũng có lúc mình phải cân nhắc và đưa ra lựa chọn. Tôi đồng ý đến Ninh Bình vì CLB này giàu tham vọng và đặt mục tiêu thăng hạng. Chọn một đội bóng hạng Nhất và giúp họ thăng hạng, qua đó tiếp tục chơi ở cấp độ cao nhất thì có gì sai? Tôi không hối hận với quyết định này.
Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức
#box1729049410161{background-color:#fff995}
Đăng thảo luận