Trump tuyên bố có thể khiến "lạm phát biến mất hoàn toàn" nếu đắc cử, nhưng giới chuyên gia cảnh báo kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ của ông có thể phản tác dụng.

Phát biểu khi nhận đề cử đảng Cộng hòa ngày 18/7, ông Donald Trump chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì khiến Mỹ hứng chịu "lạm phát tồi tệ chưa từng thấy". Cựu tổng thống cho rằng "giá thực phẩm tăng 50%, giá xăng tăng 60-70%, tổng chi phí của mỗi hộ gia đình tăng trung bình 28.000 USD một năm".

Trump cam kết nếu đắc cử, ông sẽ giúp "hạ giá cả nhanh chóng, đưa nước Mỹ hợp túi tiền trở lại". Ông công bố kế hoạch "giải cứu kinh tế" cho nhiệm kỳ mới, với một số đề xuất như giảm thuế trong nước, áp thuế với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, tăng cường khai thác dầu đá phiến.

"Với kế hoạch của tôi, thu nhập sẽ tăng vọt, lạm phát hoàn toàn biến mất, công ăn việc làm phục hồi và tầng lớp trung lưu thịnh vượng hơn bao giờ hết", ứng viên đảng Cộng hòa tuyên bố.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những đề xuất chính sách của ông Trump, như tăng thuế với hàng nhập khẩu, trục xuất hàng triệu lao động nhập cư và can thiệp vào hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nhiều khả năng sẽ đẩy giá cả tăng vọt. Chúng không những không xóa bỏ được lạm phát ở Mỹ, mà còn có thể khiến tình hình tồi tệ thêm.

Hoài nghi về kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ của ông Trump  第1张

Ông Donald Trump phát biểu tại Oaks, bang Pennsylvania ngày 14/10. Ảnh: AP

16 kinh tế gia đoạt giải Nobel hồi tháng 6 viết thư bày tỏ lo ngại các đề xuất của ông Trump sẽ "tái châm ngòi" lạm phát, vốn đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 9,1% năm 2022 về gần mục tiêu 2% của Fed.

Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế tháng trước dự báo nếu Trump tái đắc cử, các chính sách của ông Trump sẽ đẩy giá hàng tiêu dùng tăng mạnh trong hai năm tiếp theo. Các nhà phân tích kết luận thay vì giảm về 1,9% trong năm 2026, lạm phát sẽ nhảy vọt lên 6-9,3% nếu ông Trump thực hiện các đề xuất.

Ông Trump lập luận rằng áp thuế với hàng nhập khẩu sẽ giúp bảo vệ việc làm tại các nhà máy Mỹ khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài và mang lại nhiều lợi ích khác cho người dân Mỹ.

Trong nhiệm kỳ 2017-2021, Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ông tăng thuế với thép và nhôm nhập khẩu, máy giặt, tấm pin năng lượng mặt trời. Cựu tổng thống ấp ủ kế hoạch lớn hơn cho nhiệm kỳ hai, áp thuế suất 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và thuế suất chung 10-20% với những hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại vào Mỹ.

Ông Trump nhấn mạnh chính sách này sẽ buộc đối tác nước ngoài hứng chịu gánh nặng thuế, thay vì người tiêu dùng Mỹ. Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng trên thực tế, các nhà nhập khẩu Mỹ phải trả khoản thuế tăng thêm này, sau đó sẽ chuyển phần chi phí đó sang người tiêu dùng bằng cách nâng giá bán. Sau cùng, người dân Mỹ mới là bên chịu thuế.

Nhà nghiên cứu Kimberly Clausing và Mary Lovely của Viện Peterson ước tính việc ông Trump áp thuế suất 60% với hàng hóa Trung Quốc, 20% với mọi sản phẩm khác vào Mỹ sẽ khiến mỗi hộ gia đình nước này mất thêm 2.600 USD mỗi năm.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump lập luận rằng lạm phát tại Mỹ vẫn thấp ngay cả khi cựu tổng thống áp thuế trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Moody's Analytics, nói quy mô áp thuế mà ông Trump đề xuất hiện tại đã khiến các phép toán thay đổi.

"Thuế suất ông Trump triển khai giai đoạn 2018-2019 không có tác động lớn vì chỉ áp dụng với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc", Zandi cho biết. "Nhưng cựu tổng thống lúc này muốn áp thuế với hơn 3.000 tỷ USD hàng nhập khẩu".

Và bối cảnh lạm phát hiện tại cũng khác so với lúc ông Trump đương nhiệm. Fed khi đó lo ngại lạm phát quá thấp, không phải quá cao.

Hoài nghi về kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ của ông Trump  第2张

Khách hàng đi qua khu bán trứng tại một siêu thị ở San Anselmo, bang California, Mỹ ngày 25/9. Ảnh: AFP

Ông Trump còn tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ thực hiện "đợt trục xuất người nhập cư lớn nhất lịch sử Mỹ" nhằm hiện thực hóa cam kết cứng rắn với làn sóng nhập cư vào Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều kinh tế gia cho rằng lượng người nhập cư gia tăng những năm qua là yếu tố góp phần giúp Mỹ kiểm soát lạm phát và tránh suy thoái. Nguồn nhân lực này giúp lấp đầy các vị trí tuyển dụng dễ dàng hơn, từ đó chủ sử dụng lao động giảm bớt áp lực tăng lương và ổn định giá bán.

Lượng người nhập cư ròng - chênh lệch giữa số người đến và người khỏi Mỹ - năm 2023 là 3,3 triệu người, gấp hơn ba lần so với con số chính phủ Mỹ dự kiến.

Khi kinh tế Mỹ phục hồi hậu Covid-19, các công ty gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng đủ nhân công để xử lý đơn hàng. Người nhập cư đã lấp vào khoảng trống đó. Trong 4 năm qua, số người ở Mỹ có việc làm hoặc đang tìm việc tăng gần 8,5 triệu người, 72% trong số này là người nước ngoài.

Chuyên gia Wendy Edelberg và Tara Watson của Viện Brookings nhận thấy bằng việc tăng nguồn cung lao động, người nhập cư đã giúp Mỹ tạo thêm việc làm mà không khiến nền kinh tế "quá nóng".

Giới chuyên gia trước đó ước tính kinh tế Mỹ không thể tạo thêm hơn 100.000 việc làm một tháng mà không gây ra lạm phát. Nhưng khi Edelberg và Watson tính thêm yếu tố người nhập cư tăng, họ nhận thấy tăng trưởng việc làm có thể lên tới 160.000-200.000 vị trí một tháng mà không thúc đẩy lạm phát.

Nếu ông Trump thực hiện đợt trục xuất hàng loạt, mọi thứ sẽ thay đổi. Viện Peterson ước tính lạm phát của Mỹ sẽ tăng thêm 3,5 điểm phần trăm vào năm 2026 nếu ông Trump trục xuất toàn bộ 8,3 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp.

Ông Trump hồi tháng 8 còn khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khi tuyên bố sẽ tìm cách để "có tiếng nói" trong các quyết sách lãi suất của Fed.

Fed là "đội trưởng chống lạm phát" của chính phủ Mỹ. Cơ quan này kiểm soát lạm phát thông qua tăng lãi suất, từ đó hạn chế vay mượn và chi tiêu, khiến nền kinh tế giảm tốc và hạ tốc độ tăng giá.

Nghiên cứu kinh tế cho thấy Fed và ngân hàng trung ương các nước chỉ có thể đối phó lạm phát một cách hiệu quả nếu họ hoạt động độc lập, không chịu áp lực chính trị. Nguyên nhân là tăng lãi suất có thể gây tổn thất kinh tế, thậm chí suy thoái, và điều này không có lợi cho các chính trị gia muốn tái đắc cử.

Khi đương nhiệm, ông Trump nhiều lần thúc giục chủ tịch Fed Jerome Powell hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế. Các kinh tế gia cho rằng việc ông Trump công khai gây sức ép lên ông Powell vượt xa những nỗ lực tương tự của tổng thống Lyndon Johnson và Richard Nixon nhằm giữ lãi suất thấp, từng bị chỉ trích là khiến lạm phát kéo dài cuối thập niên 1960 và những năm 1970.

Báo cáo từ Viện Peterson cho thấy can thiệp vào hoạt động của Fed sẽ làm lạm phát tăng hai điểm phần trăm mỗi năm.

Hoài nghi về kế hoạch giải cứu kinh tế Mỹ của ông Trump  第3张

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Washington ngày 1/5. Ảnh: AFP

Các chuyên gia kinh tế cũng không mấy ấn tượng với kế hoạch điều hành kinh tế của Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ. Họ bác bỏ đề xuất kiểm soát giá mà bà đưa ra, gọi đây là phương án không hiệu quả để ứng phó tình trạng giá thực phẩm tăng, nhưng không cho rằng kế hoạch của ứng viên Dân chủ sẽ kích thích lạm phát.

Moody’s Analytics ước tính các chính sách của bà Harris nhìn chung không tác động đến lạm phát, kể cả khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ.

Như Tâm (Theo AP, New York Post)