Từng là học sinh giỏi quốc gia môn hóa học cùng một loạt bảng thành tích đáng nể, Từ Nam Anh bị phạt 18 năm tù khi tham gia nghiên cứu, pha chế ma túy đá.
Phiên xử vụ án có bị cáo là học sinh giỏi quốc gia tham gia nghiên cứu, sản xuất trái phép chất ma túy
Tòa án Quân sự Quân khu 7 vừa tống đạt bản án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Minh Trí (34 tuổi, cựu đại úy quân đội) cùng đồng phạm về tội Mua bán trái phép chất ma túy và tội Tàng trữ, mua bán tiền chất dùng vào sản xuất trái phép chất ma túy.
Trong vụ án này, hồ sơ thể hiện bị cáo Từ Nam Anh - đã thực hiện hành vi tàng trữ 21,6kg tiền chất ma túy do Trí mua để nghiên cứu, sản xuất trái phép chất ma túy và được trả công 107,7 triệu đồng.
Hội đồng xét xử xác định hành vi của Nam Anh đã phạm vào tội Tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy và bị phạt 18 năm tù.
Đáng chú ý, Từ Nam Anh đã được áp dụng tình tiết giảm nhẹ do có thành tích xuất sắc trong học tập.
Trong quá trình học tập, Nam Anh nhận một giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp tỉnh, một giấy khen đạt giải nhì môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, một giấy khen đạt Huy chương vàng môn Hóa học.
Nhưng Từ Nam Anh không phải là trường hợp học sinh giỏi "trượt ngã" thành tội phạm cá biệt ngoài cánh cửa trường học.
Đã có hàng loạt vụ án về ma túy, giết người kinh hoàng mà ở đó không ai khác, thủ phạm là những gương mặt học sinh, sinh viên với thành tích học tập đáng nể.
Nữ sinh từng là học sinh giỏi, đỗ vào Trường Đại học Y dược TPHCM Hoàng Phương Kiều Diễm trượt dài khi bước vào ngưỡng cửa đại học (Ảnh: T.L).
Vài năm trước, TAND TPHCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Hoàng Phương Kiều Diễm (sinh năm 1994, tại Lâm Đồng) 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Năm 18 tuổi, Diễm thi đậu vào Trường Đại học Y dược TPHCM - một trong những ngôi trường khó đặt chân vào bật nhất trong cả nước. Ở giảng đường đại học, cô gái trẻ "trượt" dần vào bi kịch.
Cô nữ sinh mang thai. Cha đứa trẻ "quất ngựa truy phong" không nhận. Diễm ôm bụng bầu về quê sinh con. Khi con gần tròn tuổi, cô để con lại cho bà ngoại rồi quay lại trường học tiếp tục giấc mơ của mình.
Ở thành phố, người mẹ trẻ vừa đi học vừa đi làm thêm đủ công việc để trang trải cuộc sống cho bản thân và lo cho con nhỏ. Đúng vào năm cuối đại học, cần tiền, nữ sinh viên làm liều đi giao "hàng trắng" - thứ hàng mà cô biết rõ có thể hủy hoại nhiều cuộc đời, nhiều gia đình.
Nguyễn Anh Khoa - thủ phạm nhốt và hành hạ, tra tấn cha ruột suốt 10 ngày cho đến khi tử vong
Chỉ mới đây thôi, dư luận không khỏi bàng hoàng trước vụ án du học sinh hành hạ, tra tấn cha ruột suốt 10 ngày cho đến khi tử vong xảy ra ở TPHCM xuất phát từ mâu thuẫn gia đình.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Nguyễn Anh Khoa có thời gian du học tại Singapore. Sau khi về nước, anh ta sống với cha ruột là ông N.V.B. (ngụ quận Phú Nhuận), hai cha con thường xảy ra mâu thuẫn.
Một ngày, nghi ngờ cha sử dụng giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay tiền đầu tư, Khoa nhốt ông B. vào một phòng trống trong căn nhà, tiếp tục truy hỏi cha về giấy tờ nhà. Suốt 10 ngày, đứa con được ăn học ấy đánh đập, tra tấn khiến người cha tử vong.
Hay trong vụ án "dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh chết con riêng người tình" chấn động mọi lương tri, nhiều người không khỏi đau đớn trước sự nhẫn tâm, tàn ác của ông bố ruột Nguyễn Kim Trung Thái. Người cha chứng kiến và cùng người tình đánh đập con gái.
Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức. Sau khi tốt nghiệp tại Đại học Kinh tế TPHCM, Thái đi du học New Zealand và trở về nước với con đường sự nghiệp rộng mở. Ở thời điểm vụ án xảy ra, Thái là giám đốc marketing tại một công ty bất động sản quốc tế.
Tội ác ấy đến vị luật sư từng tham gia, trải qua hàng loạt vụ án kinh hoàng Nguyễn Anh Thơm đã phải thốt lên trong tận cùng đau đớn: "Tôi chưa từng thấy người cha nào tàn ác như vậy. Nhất là một người được ăn học, mang danh tri thức".
Ông bố Nguyễn Kim Trung Thái - cựu sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM, từng đi du học New Zealand - ngồi nhìn con bị tình thân hành hạ.
Hay các vụ án gây ám ảnh, sợ hãi cho dư luận như Nguyễn Đức Nghĩa - hung thủ vụ "xác chết không đầu" - là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương; nữ sinh Kim Anh giết người tình trên xe Lexus khi đang là sinh viên khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…
Hàng loạt vụ án về ma túy, giết người… mà ở đó thủ phạm là những gương mặt "con ngoan, trò giỏi" với nhiều thành tích, là sinh viên tại các trường đại học danh giá lần nữa đặt ra vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Dường như lâu nay, trong giáo dục con trẻ, từ gia đình đến nhà trường đều dốc hết nguồn lực cho mục tiêu học giỏi, điểm cao, nhiều thành tích.
Quan niệm "chỉ cần học giỏi" cũng đang tiếp tay cho việc sao nhãng, xem nhẹ chăm chút tâm hồn, đạo đức, phẩm chất, ý chí hay các năng lực vượt qua nghịch cảnh, cám dỗ… cho con trẻ.
Bên trong nhiều học sinh giỏi có thể lắm là sự mục ruỗng đáng sợ về đạo đức, nhân cách, là những lỗ hổng lớn về kỹ năng, ý chí… Khi thiếu điều này, chỉ cần bước ra ngoài, ra khỏi vòng tay kiểm soát của bố mẹ, thầy cô là các em trượt không phanh.
Nhiều năm qua đã có hàng loạt nghiên cứu, hội thảo báo động về vấn đề đạo đức học sinh, sinh viên nhưng giáo dục đạo đức chưa thật sự được quan tâm.
Như trăn trở của một nhà giáo dục ở TPHCM: Giờ đây để nuôi dạy một đứa trẻ cao lớn, có nhiều thành tích học tập rất dễ nhưng để tạo ra đứa trẻ lành mạnh, mạnh khỏe về tinh thần, tâm hồn, cảm xúc, ý chí.. là thách thức lớn, nhất là khi những điều này đang bị xem nhẹ.
(Theo Dân trí)
Đăng thảo luận
2024-12-03 18:54:17 · 来自171.12.48.144回复
2024-12-03 19:04:26 · 来自210.33.171.53回复
2024-12-03 19:14:28 · 来自123.234.126.195回复
2024-12-03 19:24:25 · 来自36.60.237.155回复
2024-12-03 19:34:23 · 来自182.86.157.204回复