Ở nơi được mệnh danh là “khách sạn người già”, hai cụ bà xem nhau như chị em ruột. Không có con cháu bên cạnh, họ tìm thấy niềm vui tuổi già ở viện dưỡng lão.

Loay hoay tìm nơi nương tựa

7h, sau khi ăn sáng và tập trị liệu ở phòng chức năng, cụ Mười (83 tuổi, Hà Nội) và cụ Diệu (79 tuổi, Hà Nội) rủ nhau xuống sảnh tầng 1 hóng mát. Gần 2 năm qua, viện dưỡng lão Diên Hồng (Hà Đông, Hà Nội) là nơi hai cụ nương tựa lúc tuổi già.

Ở đây, họ tìm thấy niềm vui, sự ấm áp mà trước đó không thể tìm thấy ở gia đình – nơi có con đàn, cháu đống.

Chia sẻ lý do vào viện dưỡng lão an hưởng tuổi già, cụ Diệu kể, cụ có 4 người con, 3 trai, 1 gái, tất cả đã ngoài 40 và đều yên bề gia thất.

Con gái cụ Diệu lấy chồng xa. Cách đây nhiều năm, vợ chồng cụ dồn tiền tiết kiệm, mua cho 3 con trai mỗi người một căn nhà 3 tầng. Trong đó, người con út không muốn ở nhà mặt đất nên đã đem căn nhà cho thuê, rồi chuyển lên sống ở chung cư.

“Trước khi sang tên sổ đỏ cho mấy đứa con, chồng tôi đắn đo rất nhiều. Ông ấy sợ chuyện ‘nhỡ may’. Tôi động viên ‘thôi ông ạ, con mình mình hiểu. Các con chắc chắn sẽ phụng dưỡng bố mẹ đến nơi đến chốn’. Ông ấy nghe vậy thì đồng ý”, cụ Diệu kể.

Gặp ở viện dưỡng lão, 2 cụ bà thân như chị em ruột, xa nhau là đẫm nước mắt  第1张 Viện dưỡng lão được mệnh danh là "khách sạn người già". Ảnh: Viện dưỡng lão Diên Hồng

Vợ chồng cụ Diệu vốn sống cùng người con trai cả, cuộc sống êm đẹp, không có điều tiếng gì. Thế nhưng, từ sau khi chồng mất, cụ như mất điểm tựa vững chãi khiến cuộc đời trở nên chênh vênh.

Cụ lần lượt ở với các con trai nhưng không thấy hợp nên quyết định ở một mình.

Ở riêng được 3 tháng, cụ bất ngờ bị tai nạn gãy chân. Ngày ra viện, cụ được con gái đưa vào viện dưỡng lão.

“Con gái tôi ở xa không lo được cho mẹ nên xót ruột. Con bé sợ tôi từ viện về lủi thủi một mình nên đăng ký, làm thủ tục cho tôi vào viện dưỡng lão. Nó biết, nếu bàn bạc trước chắc chắn tôi không đồng ý nên tự quyết. Còn tôi thì ‘sự đã rồi’ nên cứ theo thôi”, cụ Diệu chia sẻ.

Cụ Mười cũng cùng hoàn cảnh. Cách đây gần 2 năm, cụ vào viện dưỡng lão và xác định, đây sẽ là nơi nương tựa lúc cuối đời.

“Con gái tôi thương mẹ nhưng nó còn cuộc sống của nó. Tôi tìm được về đây là tốt lắm rồi”, cụ Mười trải lòng.

Tìm thấy tri kỷ 

Suốt 1 tháng đầu vào viện dưỡng lão, cụ Diệu luôn mang trong lòng nỗi muộn phiền. Thế nhưng, sự chăm sóc tận tâm, chu đáo của đội ngũ nhân viên nơi đây đã xoa dịu tâm hồn cụ, giúp cụ thoát khỏi nỗi cô đơn, trống trải và tủi thân khi không có con cháu bên cạnh.

Những ngày mới vào, cụ chưa thể đi lại bình thường. Nhân viên lắp cho cụ một cái chuông ngay đầu giường, liên tục dặn dò: “Hễ có việc xuống giường là phải bấm chuông gọi tụi con”. Họ còn yêu cầu cụ thử chuông nhiều lần để chắc chắn chiếc chuông hoạt động tốt và cụ biết cách sử dụng nó.

Gặp ở viện dưỡng lão, 2 cụ bà thân như chị em ruột, xa nhau là đẫm nước mắt  第2张 Ở viện dưỡng lão, các cụ được chăm sóc chu đáo. Ảnh: Viện dưỡng lão Diên Hồng

“Nhiều khi sợ phiền mọi người, tôi cố gắng chống nạng tự đi vệ sinh hoặc đi bộ quanh phòng. Thấy vậy, mấy bạn nhân viên vội vã đến đỡ rồi phàn nàn ‘Cần đi đâu cụ cứ bấm chuông, bất cứ lúc nào dù là sáng sớm hay nửa đêm, tụi con cũng có mặt’.

Sự chu đáo của các cháu khiến tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều”, cụ Diệu kể.

Nhiều đêm thao thức khó ngủ, cụ Diệu biết đều có nhân viên đến giường ngó nghiêng, theo dõi cụ một cách sát sao. Trước đây, cụ không dám nghĩ viện dưỡng lão lại là nơi chu đáo và ấm áp như vậy. 

“Năm ngoái, tôi vì quá buồn mà quên luôn sinh nhật của mình. Sáng đó, tôi xuống tầng 1 hóng mát như bình thường, một bạn nhân viên cầm bánh sinh nhật đến nói ‘chúc mừng sinh nhật bà. Mời bà vào phòng sinh hoạt chung để chung vui với mọi người’. Tôi vừa bất ngờ, vừa xúc động”, cụ Diệu chia sẻ.

Gần 2 năm sống ở đây, cụ Mười cũng rất hài lòng. Cụ được nhân viên chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Ngoài ra, mỗi tháng viện dưỡng lão lại có những chương trình giải trí theo chủ đề riêng, tạo không gian cho cụ và các bạn già giao lưu, giải tỏa tinh thần.

“Thi thoảng, các cô ở đây còn chở chúng tôi đi chợ, giúp chúng tôi mua đồ, xách đồ. Các cô ở đây nhiệt tình và thương người lắm”, cụ Mười nói.

Và điều quan trọng nhất, cụ Mười và cụ Diệu đã tìm thấy tri kỷ của đời mình. Kể từ lần đầu gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống riêng, hai cụ đã tìm thấy tiếng nói chung, có thể thấu hiểu và sẻ chia cùng nhau. Hai cụ xem nhau như chị em ruột thịt.

“Chúng tôi vốn ở khác tầng nhưng sau đó xin các cô cho ở chung tầng, chung phòng. Hai chị em ở hai giường đối diện nhau, thường nhắc nhau uống thuốc, cùng nhau tập thể dục, chia nhau từng miếng bánh. Các con đến đây thăm tôi, có mua cho mẹ cái gì thì cũng mua cho cụ Mười cái đó. Nhờ có bà bạn già, cuộc sống của tôi ở đây vui vẻ, đủ đầy hơn nhiều”, cụ Diệu tâm sự. 

Dịp tết Nguyên đán 2024, cụ Diệu được con trai, con gái đón về nhà ăn Tết. Hai cụ dù chỉ xa nhau vài ngày nhưng cuộc chia tay cũng đẫm nước mắt. Ở lại viện dưỡng lão ăn Tết, cụ Mười trông ngóng người em gái từng giờ, từng phút.

“Tôi xem cụ Mười là chị em ruột thịt, xem viện dưỡng lão này là bến đỗ bình yên lúc tuổi già”, cụ Diệu chia sẻ.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Gặp ở viện dưỡng lão, 2 cụ bà thân như chị em ruột, xa nhau là đẫm nước mắt  第3张 Cụ bà 117 tuổi qua đời trong khi ngủ, gia đình tiết lộ điều bất thường trước đóTÂY BAN NHA - Những ngày cuối đời, bà nói rằng bà cảm thấy mình sắp chết và sẽ nhớ những thói quen hàng ngày như uống cà phê, ăn sữa chua và ngắm nhìn thú cưng của mình.